Lại mong ngày hừng sáng

“Hừng sáng” (NXB Hồng Đức) là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ Võ Thị Mỹ Hạnh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Lại mong ngày hừng sáng

Là cô giáo dạy mỹ thuật, nhưng lại say mê viết lách, cô đặt tên cho niềm vui mới của mình một cách rất khiêm tốn là “tập quan sát và gõ phím”.

Tập truyện gồm 14 truyện ngắn, đủ đem lại cho độc giả những ấn tượng khó phai. Bởi cách hành văn dung dị, không quá cầu kỳ hay trau chuốt, những câu chuyện thường tập trung vào thân phận của những người phụ nữ. Cả những câu chuyện về những nhân vật nam như “nó” trong “Xuân này em sẽ về”, “gã” trong “đi về phía biển” hay nhân vật ông Chánh trong truyện ngắn cùng tên đều mang theo dấu ấn khó phai của những người phụ nữ in hằn trong đời họ, khiến họ phải dõi theo rồi nương tựa vào những cái bóng yếu mềm ấy mà vực mình đứng dậy.

Những người phụ nữ trong “Hừng sáng” đều khao khát hạnh phúc thường nhật như: làm vợ, làm mẹ, hay đơn giản chỉ là một tình yêu bình dị trú ngụ trong một ngôi nhà ấm áp. Nhưng số phận luôn đưa đẩy họ vào những con đường trơn trượt, tối tăm đầy tuyệt vọng, không thể tâm sự cùng ai, kể cả người đầu gối tay ấp. Họ lạc lõng trong ngôi nhà của chính mình lúc nào không biết. Họ co mình vào sâu trong tâm thức vì sợ những đôi mắt soi mói của nhân gian, để rồi lại tự giam hãm mình, tự nói chuyện với mình bằng một “người đàn bà mặc áo choàng đen” bí ẩn, rồi lại phải tự vực chính mình dậy để chống chọi với cuộc đời. Nhưng đâu phải ai cũng đủ sức bước qua những chật vật, vất vả ấy một mình, họ vẫn thèm khát lắm một bờ vai, một điểm tựa để cất mình lên khỏi vực sâu ấy.

“Hừng sáng” tập trung vào giá trị của gia đình, vào vai trò và cảm xúc của những người phụ nữ. Đâu phải ai cũng có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, cái vẻ ngoài tuyệt đẹp được trưng ra khiến thiên hạ thèm khát bao nhiêu thì trong lòng người phụ nữ lại có một bóng tối nặng trĩu bấy nhiêu. Yêu thương như thế nào mới đủ cho tâm hồn của hai người bên nhau trong một căn nhà, những nỗi khát khao lệch pha, nhạy cảm của người đàn bà với nhịp sống đơn điệu, thiếu tinh tế của một người đàn ông khiến cho những ngôi nhà tưởng chừng vững chãi nhất cũng thành chông chênh, khó níu kéo (“Mùa đi qua ngõ”).

Viết như trải lòng cho từng câu chuyện, từng phận đời nhưng Võ Thị Mỹ Hạnh lại thường để cho câu chuyện của mình có một cái kết mở khá lơ lửng. Điều đó lại khiến người đọc hướng đến một cái kết có hậu. Bởi những dẫn dụ trong các câu chuyện đó đã khiến nhiều người liên tưởng đến triết lý đầy nhân văn và tình người trong tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”. Mà những người đàn bà trong tập truyện này đều đủ sức mạnh vượt qua những ranh giới mỏng manh đó, để người đọc có thể thấy được vẻ hừng sáng trong từng câu chuyện.