Trung tuần tháng 8 vừa qua, sau khi Ủy ban bầu cử Trung ương Belarus công bố kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống nước này, với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Lukashenko (hơn 80%), tại Minsk và hơn 30 thành phố lớn khác của Belarus đã diễn ra các cuộc biểu tình thu hút hàng trăm nghìn người phản đối kết quả bầu cử, yêu cầu tổ chức bầu cử lại, đòi ông Lukashenko từ chức, giải tán chính phủ và tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Hàng trăm người cũng tham gia biểu tình trước các Đại sứ quán Belarus tại Nga, Anh, Czech và Slovakia.
Lúc đầu, tham gia các cuộc biểu tình trong nước chủ yếu là người trẻ tuổi, mất việc ở nước ngoài trở về trong đợt dịch Covid-19, sau đó lan rộng ra các thành phần khác như người lớn tuổi, phụ nữ, công nhân, thậm chí những người trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ ông A. Lukashenko. Đáng chú ý, một bộ phận tầng lớp tinh hoa của Belarus bắt đầu phản đối chính quyền, ngả về phe đối lập.
Lãnh đạo phe đối lập S.Tikhanovskaya, người xếp thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống với 10,1% số phiếu ủng hộ, ngay sau khi có kết quả bầu cử đã rời Belarus sang tị nạn tại Litva, liên tục lên tiếng cáo buộc ông Lukashenko gian lận kết quả, yêu cầu chính quyền Belarus thiết lập khung pháp lý mới để tổ chức bầu cử lại, kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường phản đối. Ngày 14-8, phe đối lập thành lập một “hội đồng điều phối” với ý định thuyết phục chính quyền của Tổng thống Lukashenko ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, ông Lukashenko cho đây là một âm mưu tiếm quyền giữa lúc bất ổn dâng cao do các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Đến nay, hội đồng này có hơn 200 thành viên từ những ngành nghề khác nhau như nhà báo, nghệ sĩ, doanh nhân, nhân vật nổi tiếng... Và những người ủng hộ phe đối lập tuyên bố công nhận bà Tikhanovskaya là tổng thống hợp pháp của Belarus.
Chính quyền của Tổng thống Lukashenko ban đầu sử dụng các biện pháp mạnh tay để trấn áp, giải tán đám đông người biểu tình. Tuy nhiên, dưới sức ép của cả trong và ngoài nước, ông Lukashenko chấp nhận nhượng bộ, tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các đối tác nước ngoài về kết quả bầu cử và chia sẻ quyền lực, kể cả khả năng bầu cử lại sau khi sửa đổi Hiến pháp.
Bất ổn tại Belarus không chỉ xuất phát từ các yếu tố nội tại. Trước cuộc bầu cử, thực trạng kinh tế khó khăn, an sinh - xã hội suy giảm, chính quyền lúng túng trong việc ứng phó dịch Covid-19,… đã khiến một bộ phận người dân Belarus quan ngại. Trước lời kêu gọi của phe đối lập, nhiều người đã bị lôi kéo xuống đường tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử, đồng thời yêu cầu chính phủ cải cách kinh tế. Tuy nhiên, việc can dự của các thế lực bên ngoài vào tình hình tại Belarus hiện nay mới đặt ra thách thức với chính quyền của Tổng thống Lukashenko. Trong đó, kịch bản về một cuộc “cách mạng mầu” - cụm từ mô tả chiến lược tổ chức các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị để lật đổ chính quyền hợp pháp, điều đã từng xảy ra ở một số quốc gia Đông Âu như Ukraine, Serbia hay Gruzia - đang hiện hữu.
Theo trang Zavtra của Nga, Tổng thống Belarus nhấn mạnh rằng, kịch bản “cách mạng mầu” có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để gây thêm bất ổn tại Belarus. Ông Lukashenko cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, khi đưa ra bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. Tổng thống Lukashenko coi sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với phe đối lập là sự can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Belarus.
Sau khi biểu tình nổ ra, các thế lực bên ngoài, nhất là các nước Baltic, Ba Lan, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua các hành động can thiệp và chiến dịch truyền thông, tiếp sức cho lực lượng đối lập. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ sẽ hợp tác với EU trong việc giải quyết khủng hoảng tại Belarus. Về phần mình, EU đã tiến hành họp khẩn cấp, ra tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Belarus, đề xuất lệnh cấm vận đối với một số quan chức và tổ chức của Belarus. Trong khi đó, báo chí phương Tây tập trung tuyên truyền chỉ trích cuộc bầu cử, chính sách và các biện pháp ổn định trật tự của Chính phủ Belarus. Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic đã tiến hành cuộc họp khẩn và thông qua lệnh trừng phạt đối với 30 quan chức liên quan bầu cử, trong đó có Tổng thống Lukashenko, phê phán việc chính quyền Belarus mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình, kêu gọi chính quyền Belarus tiến hành đối thoại với phe đối lập về phương án chuyển giao quyền lực. Ngoài ra, các nước này còn kêu gọi EU và NATO sớm thông qua gói tài trợ trị giá 13 triệu USD để hỗ trợ xã hội dân sự, truyền thông ở Belarus; mở cửa biên giới cho những người tham gia biểu tình Belarus sang tị nạn chính trị...
Trong khi đó, Nga luôn khẳng định việc ông Lukashenko giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, cáo buộc một số người trong phe đối lập ở Belarus đang âm mưu biến đất nước này thành “Ukraine thứ hai”, cho rằng ứng viên lưu vong Tikhanovskaya đang tìm cách lật đổ chính quyền ông Lukashenko khi thu hút sự ủng hộ của phương Tây. Tổng thống Nga V.Putin liên tục điện đàm với người đồng cấp Belarus để thảo luận về diễn biến tình hình và các biện pháp đang được áp dụng để làm giảm căng thẳng tại Belarus. Bên cạnh đó, Nga cũng cam kết hỗ trợ Belarus giải quyết cuộc khủng hoảng. Moscow khẳng định sẵn sàng trợ giúp quân sự cho Minsk nếu có biến cố xảy ra. Tổng thống Putin cảnh báo các nước châu Âu không can thiệp vào tình hình Belarus. Theo các chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu Carnegie (Mỹ), mối quan tâm lớn nhất của Nga chính là vị trí chiến lược của Belarus, được xem là “vùng đệm” giữa Nga và NATO. Bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Belarus đều buộc Nga phải hành động quyết liệt.
Những biến động hiện nay sẽ khó giúp Tổng thống Lukashenko khôi phục lại uy tín và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, khả năng xảy ra kịch bản về “cách mạng mầu” tại Belarus là rất thấp, do chính quyền vẫn kiểm soát được quân đội, bộ máy truyền thông và vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể ở các khu vực nông thôn và thế hệ lớn tuổi, chưa kể sự hỗ trợ đắc lực của Nga. Trong khi đó, phe đối lập tại Belarus khó có thể tập hợp đủ nguồn lực để đánh bật Tổng thống đương nhiệm khi đang thiếu cả giới tinh hoa và lực lượng an ninh cần thiết. Hiện nay, Tổng thống Lukashenko đã có bước đi “xuống thang” khi kêu gọi phía đối lập tham gia đối thoại.
Hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta vừa đưa tin, ngày 23-9, ông Alexander Lukashenko bất ngờ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Belarus trong buổi lễ diễn ra tại Dinh Độc lập. Phe đối lập chỉ trích lễ nhậm chức là “bất hợp pháp”. Người biểu tình mang cờ tụ tập thành các nhóm nhỏ ở Thủ đô, bao gồm bên ngoài ít nhất ba trường đại học.