Khói bếp và khói đốt đồng

Bây giờ thì quê tôi Quảng Ngãi, người nông dân cũng đốt đồng sau vụ gặt. Nhưng ngày xưa thì không. Vì bây giờ, nông dân quê tôi cũng sạ lúa chứ không còn cấy lúa như xưa nữa.

Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang. Ảnh: VNEXPRESS
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang. Ảnh: VNEXPRESS

Ngày chiến tranh, khi đi vào chiến trường Nam Bộ, khi lội qua Đồng Tháp Mười, rồi vắt ngang lộ 4, rồi “về chốn Nhị Quý Ba Dừa”, như lời một câu vọng cổ, tôi mới tận mắt thấy những ngọn khói đốt đồng. Tùy độ mênh mông của cánh đồng mà khói lên từng ngọn hay lên từng bửng, khói lương vương ngọn cây hay khói bung từng khối giữa trời xanh vô tận. 

Khói đốt đồng trong Nam Bộ thường trang trải, vì nhiều khi giữa Tháp Mười, khói lên gió tạt cứ như những bức tường thành bằng khói, cứ như trời xanh trò chuyện với cánh đồng đất đen qua bức tường khói, với mùi cỏ cháy, mùi rơm rạ, mùi cay nồng của mùa khô, mùi báo hiệu những mương rạch nước cạn dần, lộ ra những mà lươn ổ cá. Sao hồi đó, dễ bắt cá làm vậy, dễ kiếm cái ăn làm vậy. Không chỉ lính chúng tôi mò cá, mà bà con nông dân cũng mò cá hăng say, tát đìa tưng bừng, lận lưng nhiều cá rô, cá sặt, giơ cao những con cá lóc, thỉnh thoảng mò được chú lươn to. Trời cho vùng đất đầy kênh rạch này bao nhiêu nguồn sống, chỉ thò tay là bắt gặp, chỉ lội xuống nước là thấy bữa trưa, bữa chiều, chỉ mò trong bùn một lúc là có hẳn một cuộc nhậu hoành tráng. Bây giờ, còn bao nhiêu phần trăm cá cua so hồi xưa ấy?

Bây giờ, những cảnh sống như trong phim “Cánh đồng hoang” - kịch bản Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Hồng Sến gần như không còn nữa. Không còn chính những gì mà những người trẻ thèm gặp khi phượt trên miệt đồng hoang sơ nhất, mờ ảo nhất, nhiều phông đại cảnh nhất, vừa đối diện với bầu trời vừa gặp những gì nhỏ nhít mà lươn ổ cá thơm mùi bùn, mùi cỏ.

Với tôi, có hai phần thưởng lớn nhất trong tuổi thanh xuân của mình là được đi bộ suốt dãy Trường Sơn trong bốn tháng trời, được băng qua Đồng Tháp Mười trong một tháng rưỡi, được bắt cá bằng tay không dưới mương rạch, được đi đò máy trên sông Tiền có thể nhìn thấy những tàu tuần tiễu của đối phương. Chính vì được sống trong thiên nhiên hoang dại mà đời tôi có nhiều bạn. Chính vì những chuyến đi có phần nguy hiểm mà mình cảm nhận được chiến tranh là thế nào. Chẳng ai mong điều đó, nhưng khi nó xảy ra, khi mình phải chấp nhận nó, thì may còn sống sót sau khi “Lang thang qua chiến tranh” mang lại cho mình những ký ức mà càng già lại càng nhớ, càng xa trong thời gian lại càng gần trong cảm giác.

Chính vì thế mà tôi yêu thương những cuốn sách của nữ nhà thơ Lê Giang, những tâm tình của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Bây giờ, từ khoảng cách nghìn cây số, mỗi khi bấm điện thoại may gặp được giọng nói của anh chị Lư Nhất Vũ - Lê Giang, tôi như gặp lại những tháng năm mình sống ở chiến trường Nam Bộ, gặp lại mùi khói đốt đồng, mùi mắm kho quẹt, mùi cá lóc nướng trui, mùi vỏ chanh trên những cánh đồng.

Tôi yêu thương hai anh chị Lê Giang - Lư Nhất Vũ như yêu thương tuổi thanh xuân của mình, dù bây giờ chị Lê Giang đã ngoài 90 tuổi, anh Lư Nhất Vũ ít hơn vợ mình sáu tuổi, cũng đã vào tuổi 86. Đó là cặp vợ chồng đã đi khắp đất nước này thuở còn mạnh chân khỏe tay, đi tìm gặp những tinh hoa của đất nước, của dân tộc còn ẩn chứa trong những câu hát điệu hò, trong ca dao tục ngữ. Tôi chưa từng gặp một cặp vợ chồng nào chắt chiu từng giọt sữa tươi, từng ly rượu nồng của văn học nghệ thuật dân gian mình như vậy. Bao nhiêu công trình, bao nhiêu từng trải, bao nhiêu yêu thương dành trọn cho bao vùng đất vùng núi vùng biển từ Hà Giang, Sơn La tới miền trung nắng lửa, tới tận mũi Cà Mau xa ngái. Anh chị Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã bắt được bao nhiêu những con lươn con cá từ thời tiền sử, bao cánh chuồn chuồn mơ màng trong nắng sớm, bao nhiêu âm thanh tĩnh lặng trong làn khói bếp buổi chiều.

Khi tôi đọc tập sách “Khói bếp không tan” của chị Lê Giang, tôi có cảm giác tác giả đang nhớ hình dáng ngọn khói bếp nhà mình thuở ấu thơ, vừa nhìn ngọn khói chiều vừa nghe tiếng bìm bịp kêu gõ nhịp một ngày đang tắt. Còn khi tôi nghe ca khúc “Bài ca đất phương Nam” mà lời thơ của chị, âm nhạc của anh, qua giọng ca thuần chất Nam Bộ của  ca sĩ Trung Hậu, tôi như đang xuôi ghe bầu quê mình vào đất Chín Rồng, đêm chờ trăng lên gọi nhau hò hát, giã gạo chày ba xay lúa trăng tròn, chèo xuồng ba lá thung thăng kênh rạch, chợt nghe dừa rụng trái, chợt nhìn chuột trèo dừa. Hai vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đã đi qua đúng hai cuộc kháng chiến, vừa hòa bình lại tiễn con lên biên giới, vừa ăn bo bo vừa sáng tác những bài hát còn âm vang tận tới bây giờ.

Hạnh phúc đúng nghĩa, là dâng hiến, là tận hiến.

Chị Lê Giang, hơn 90 tuổi vẫn làm thơ, vẫn viết lời cho nhạc của chồng, vẫn viết những câu chuyện mà “Bỏ qua rất uổng”. Vâng, làm sao có thể bỏ qua chính đời mình, những được mất những thăng trầm của chính đời mình. Làm sao có thể bỏ qua thơ, bỏ qua âm nhạc, bỏ qua hạnh phúc?

Vừa mới đây, chị Lê Giang gửi cho tôi tập bản thảo những bài thơ chị viết lai rai trong nhiều năm, nhờ tôi đọc và “Em xem có cần bỏ ra bài nào thì bỏ”. Em làm sao dám bỏ thơ chị ra ngoài bản thảo, ngoài cuộc đời chị hở chị? Em chỉ đọc và lặng lẽ đồng cảm.

Từ khói bếp, chúng ta đã đi ra để gặp khói đốt đồng. Từ nhà mẹ, chúng ta đã đi để vượt qua dãy Trường Sơn. Từ chiến khu sốt rét, chúng ta đã xuống chiến trường để gặp kênh rạch bưng biền và những đàn cá rô, cá sặt.

Và khi khói bếp không tan trong ký ức, khói đốt đồng cứ vẩn vơ lan man trong mỗi chiều mỗi sớm của đời mình, thì đứa em này lại được gặp nhạc của anh Lư Nhất Vũ và thơ của chị Lê Giang.

Còn mong gì hơn nữa.