Khí phách Cố đô nghìn năm

Lịch sử đã trải qua hàng nghìn năm; rừng già cây đã bao mùa thay lá; dòng kia đã mấy độ đầy vơi..., nhưng khí phách về một kinh đô Hoa Lư nghìn năm vang danh ấy, như ngọn Dục Thúy Sơn đã chứng kiến bao điển tích chống giặc ngoại xâm, vẫn luôn sừng sững, hiêng ngang.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh: TRƯỜNG HUY)
Lễ hội Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh: TRƯỜNG HUY)

Trong lịch sử và tâm thức dân tộc Việt Nam, các địa danh: Hoa Lư, Trường Yên, Tam Điệp, Thần Phù đã sớm được coi là những vùng địa linh. Và, Hoa Lư là một kinh đô rất đặc sắc, kết hợp tính chất kinh đô đá, kinh đô sông nước và kinh đô cảnh thị biển, quyện chặt giữa tính chất kinh thành và quang cảnh thiên nhiên tuyệt sắc.

Đây là một kinh đô hội tụ trên vùng đất hẹp nhưng chứa đựng di sản định cư ken dày liên tục từ thời kỳ đồ đá đến thời hiện tại. Ninh Bình cũng là trung tâm của hai tôn giáo lớn ở Việt Nam là Phật giáo và Công giáo.

Những điểm độc đáo khác biệt ấy đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Giờ đây, nói đến Ninh Bình là nói đến Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An, là Tam Cốc-Bích Động, là Tam Điệp-Biện Sơn, là Vườn quốc gia Cúc Phương…

Ngoài ra còn nhiều địa danh khác như: đền Vua Đinh, đền Vua Lê, Hành cung Vũ Lâm và đền Thái Vi, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính, đầm Vân Long, Hang Múa, núi-chùa Non Nước, động Am Tiên, Thung Nham, Thung Nắng…

Nối tiếp truyền thống hào hùng về vùng đất đế đô huyền thoại ấy, với một "Khát vọng Ninh Bình", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang đồng sức, đồng lòng nỗ lực dựng xây một Ninh Bình đẹp-giàu và đáng sống.

Nhìn lại chặng đường sau gần 40 năm đất nước đổi mới, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, đến nay tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao…

Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển xanh, thân thiện môi trường, lấy du lịch làm mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao làm động lực, công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản làm đột phá, nông nghiệp sinh thái làm trụ đỡ.

Năm 2023, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tăng trưởng GRDP đạt 7,27%, đứng thứ 23 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Định hướng của Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, hội nhập sâu, rộng vào mạng lưới đô thị di sản, kinh tế di sản, công nghiệp văn hóa trên toàn thế giới.

Xuyên suốt chặng đường đổi mới và phát triển của tỉnh Ninh Bình, có thể nói, chính sự chủ động, sáng tạo, đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trong việc đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt, tạo nền tảng và mở đường cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng một Ninh Bình đặc sắc, phát triển mạnh mẽ như hôm nay.

Ninh Bình cũng là nơi ươm mầm và chắp cánh cho đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh mẽ, không chỉ góp phần dựng xây quê hương mà còn phát triển thương hiệu ở trong và ngoài nước.

Bước vào những năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội 22 của Đảng bộ tỉnh, tin rằng, khí phách Cố đô nghìn năm đã, đang và sẽ là nguồn sức mạnh vô biên để đưa Ninh Bình ngày một phát triển.