Kế hoạch “hồi sinh” điện hạt nhân của châu Âu

Châu Âu đang phải đối phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng, khiến chủ đề năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại. Các quốc gia ở “lục địa già” đã tìm đến điện hạt nhân, coi đây vừa là giải pháp ngắn hạn nhằm sưởi ấm trong mùa đông, vừa là biện pháp bảo vệ dài hạn để tránh những biến động năng lượng tương tự trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện hạt nhân Chooz của Pháp. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhà máy điện hạt nhân Chooz của Pháp. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhu cầu ngày càng tăng

AP dẫn số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, xu hướng giảm dần năng lượng hạt nhân và những lo ngại sau thảm họa ở nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) đã dẫn đến tổng lượng điện hạt nhân ở Liên minh châu Âu (EU) giảm 25% trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2020. Năm 2020, 24% tổng lượng điện của EU sử dụng là từ các nhà máy hạt nhân, với 13 quốc gia vận hành lò phản ứng hạt nhân bao gồm Pháp, Bỉ, Đức, Bulgaria, Czech, Phần Lan, Hungary, Hà Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Thống kê cũng cho thấy, nước sản xuất điện hạt nhân lớn nhất trong EU vào năm 2021 là Pháp, với 51,8% thị phần của toàn EU; tiếp theo là Đức (9,4%), Tây Ban Nha (7,7%), Thụy Điển (7,2%) và Bỉ (6,9%). Năm quốc gia thành viên này đã sản xuất 83,1% tổng lượng điện được tạo ra tại các cơ sở hạt nhân ở EU vào năm 2021.

Trong thời gian qua, nhiều nước vẫn duy trì các lò phản ứng nhưng đã cam kết giảm dần tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu, trong khi một số quốc gia khác coi việc từ bỏ điện hạt nhân là nền tảng trong chính sách năng lượng của mình. Tuy nhiên, nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo theo những hệ lụy ngày càng nặng nề, các quốc gia châu Âu đang thể hiện rõ nhu cầu “hồi sinh” điện hạt nhân dù trước đó đã có quyết định loại bỏ hoàn toàn hoặc lên lộ trình từ bỏ từng phần.

Đầu tháng 12 vừa qua, Pháp đã tái khởi động dự án năng lượng hạt nhân ở Penly, Normandy. Theo Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng tất cả các nước công nghiệp lớn ở châu Âu, bao gồm cả các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác, sớm muộn cũng sẽ quay trở lại với năng lượng hạt nhân.

Pháp cũng là quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện hạt nhân cao nhất EU (68,9%), với 56 trong số hơn 100 lò phản ứng có thể hoạt động. Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát tín hiệu “xoay trục” khỏi các kế hoạch trước đó nhằm cắt giảm sự phụ thuộc của nước này vào năng lượng hạt nhân. Trước đó, Paris đặt mục tiêu cắt giảm năng lượng này xuống còn khoảng 50% vào năm 2035 so gần 70% sản lượng hiện nay. Vào tháng 2, ông Macron đã công bố kế hoạch trị giá 57 tỷ USD để xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo ở nước này, đó là các lò phản ứng kiểu EPR (lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ ba). Các dự án của Pháp sẽ bắt đầu từ năm 2028, đồng thời dự kiến xây dựng thêm tám lò nữa vào năm 2050.

Đảo ngược chính sách

Theo Al-Jazeera, nhiều quốc gia khác ở châu Âu đã lựa chọn việc hồi sinh năng lượng hạt nhân từ trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và đang tiếp tục đi trên con đường này. Hà Lan, Thụy Điển và Ba Lan đều hy vọng phục hồi mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới. Vào tháng 9/2021, Warsaw đã công bố kế hoạch tham vọng xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân trong nước, với lò phản ứng đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2033.

Hà Lan và Thụy Điển đã liên tiếp công bố các dự án mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tháng 12/2021, chính phủ liên minh của Hà Lan đã đề xuất xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân mới, hồi sinh ngành công nghiệp lâu nay bị coi là bị đình trệ để giúp đất nước bớt phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt. Vào giữa tháng 10 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển đã thông báo kế hoạch xây dựng nhiều lò phản ứng để thích nghi với nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn quốc và mục tiêu giảm khí thải carbon. Giới phân tích đánh giá các thông báo này đánh dấu sự đảo ngược trong chính sách năng lượng của hai quốc gia này.

Tại Anh, hồi tháng 4, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch xây dựng tám nhà máy hạt nhân mới như một phần trong kế hoạch bảo vệ đất nước khỏi “sự biến động thất thường của giá dầu và khí đốt toàn cầu”. Trong khi đó, Ba Lan từ lâu đã để ý đến năng lượng hạt nhân trong lộ trình giảm bớt năng lượng hóa thạch phụ thuộc vào điện than.

Đức cũng đã khẩn trương thay đổi trong chính sách năng lượng hạt nhân, khi Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck xác nhận vào cuối tháng 9 rằng Berlin hoãn thời hạn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của họ, thông qua đó trì hoãn lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện hạt nhân của nước này, ban đầu được ấn định vào cuối năm 2022. Chính phủ Đức cho biết sẽ kéo dài tuổi thọ của hai trong số ba lò phản ứng hạt nhân còn lại đến nửa đầu năm 2023 để cung cấp “năng lượng dự trữ khẩn cấp”. Bỉ cũng kéo dài tuổi thọ của hai lò phản ứng hạt nhân thêm 10 năm, vượt quá hạn chót loại bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân vào năm 2025 trước đó. Tuy vậy, vào cuối tháng 9, Chính phủ Bỉ vẫn tiến hành đóng cửa một trong bốn nhà máy hạt nhân bất chấp tranh cãi về tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Hiện ở châu Âu, Đan Mạch, Ireland và Serbia là những quốc gia không có ngành công nghiệp điện hạt nhân và từ lâu đã cấm phát triển công nghệ này. Hy Lạp cũng đã tránh công nghệ này vì lo sợ xảy ra thảm họa hạt nhân. Song hiện nay, nhiều nước vẫn tiếp tục xem xét các công nghệ hạt nhân như lò phản ứng kiểu EPR đang chuẩn bị triển khai ở Pháp, hay lò phản ứng module nhỏ (SMR) thế hệ mới, có thể được xây dựng và vận chuyển giúp phát triển hiệu quả và rẻ hơn, cũng như nâng cao mức độ an toàn dù mô hình này hiện mới thí điểm ở quy mô nhỏ.

Thách thức từ sử dụng điện hạt nhân

Giải thích cho lý do của việc ồ ạt quay trở lại với năng lượng hạt nhân, các nhà phân tích cho rằng giới chức các nước châu Âu đang đứng trước sức ép tìm một giải pháp ngắn hạn để có đủ năng lượng sưởi ấm trong mùa đông, cũng như các biện pháp bảo vệ dài hạn để tránh những biến động năng lượng do bị tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Đồng thời, các nhà lập pháp EU quyết định “mở cửa” cho năng lượng hạt nhân hồi tháng 7, khi bỏ phiếu nhất trí đưa khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân vào danh sách các khoản đầu tư bền vững của khối. Theo đó, EC đã đưa ra đề xuất trên như một phần trong kế hoạch xây dựng một tương lai thân thiện với khí hậu. Dù ý kiến này gây bất đồng giữa 27 nước thành viên và bị các nhà hoạt động môi trường phản đối, song tại cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp), đề xuất này đã được thông qua với 328 phiếu thuận và 278 phiếu chống.

Các tổ chức môi trường từ lâu không đồng tình với quan điểm cho rằng điện hạt nhân là một nguồn tài nguyên bền vững, do lo ngại những tác động và thách thức lâu dài của việc lưu trữ chất thải hạt nhân. Cùng với đó, phát triển các cơ sở hạt nhân mới được đánh giá là tham vọng, khó khăn, tốn kém và kéo dài nhiều năm.

Ông Nicolas Berghmans, chuyên gia về năng lượng và khí hậu tại Viện Phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (IDDRI) có trụ sở tại Pháp nhận định: “Năng lượng hạt nhân là một ngành công nghiệp phức tạp, đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, đầu tư lâu dài và tham vọng”. Ông Berghmans cũng cho rằng, do có nhiều thách thức chung quanh việc phát triển các nhà máy hạt nhân, nên các nước hiện nay vẫn ưu tiên khả năng sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng gió và quang điện, là những lựa chọn thay thế “kinh tế hơn” đối với an ninh năng lượng và tính bền vững. “Hạt nhân vẫn chưa phải là một giải pháp năng lượng chung ở châu Âu”, ông nhận định.

Còn theo nhận định của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc khả năng của các chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân trong việc huy động các khoản đầu tư cần thiết và việc nhanh chóng giải quyết các vấn đề về bội chi ngân sách, trì hoãn hạ tầng.