Lưu ý với bệnh sốt mò

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt mò có mặt ở hầu hết 24 tỉnh, thành phố phía bắc (chưa kể phía nam), chiếm 38,51% số bệnh nhân sốt nhập viện, không rõ căn nguyên. Trong đó, khoảng 31,8% bệnh nhân sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.
0:00 / 0:00
0:00

Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi (trước kia gọi là Rickettsia orientalis hoặc R.tsutsugamushi) gây ra. Bệnh thường hay được chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh như cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết… Bệnh nhân khi nhập viện cần được điều trị sớm và tích cực để tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tắc động tĩnh mạch, trụy tim mạch, viêm phổi bội nhiễm, phù phổi, viêm thận, suy đa tạng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh sốt mò hiện chưa có vaccine dự phòng. Vì vậy, nên xử lý ổ lây nhiễm thông qua việc phát quang khu vực chung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm. Sốt mò cần được điều trị sớm và đúng phác đồ, nhất là đối với những người mắc các bệnh lý nền kèm theo để tránh gây ra những biến chứng cấp tính, nguy hiểm. Người bệnh khi thấy các dấu hiệu bất thường cần được đưa tới các cơ sở y tế và tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.