Mặc dù đang ở giai đoạn “chớm nở” nhưng nền công nghiệp internet vạn vật (IoT) đang phát triển sôi động với sự gia nhập của các “đại gia” công nghệ thế giới như Google, Samsung, Apple, Intel, IBM, Microsoft… Trong lĩnh vực quân sự, cuộc đua này càng gay cấn hơn.
Tương lai của các phương tiện tự hành
Lâu nay, ngành chế tạo ô-tô vốn là thế mạnh của các nhà sản xuất lớn tại Mỹ như Ford hay General Motors. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, các tập đoàn công nghệ cũng đang “lấn sân” sang ngành chế tạo xe hơi với sản phẩm xe tự hành (xe tự lái). Google là tập đoàn công nghệ đầu tiên tiến hành nghiên cứu xe tự hành cách đây tám năm. Đến nay, xe tự hành của Waymo (chi nhánh của Google) đã đi được hơn 3,2 triệu km.
Sau Google, nhiều “ông lớn” công nghệ khác của Mỹ như Apple, Intel,... cũng quan tâm việc sản xuất xe tự hành. Trong thư đề nghị chính phủ tạo điều kiện phát triển xe tự hành cuối năm ngoái, Apple tiết lộ đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất này. Apple có kế hoạch tập trung phát triển hệ thống phần mềm và sẽ hợp tác với các đối tác sản xuất xe khác. Apple tin rằng, xe tự hành có thể làm giảm tình trạng tắc đường, ngăn hàng triệu vụ va chạm và cứu sống hàng nghìn người trong các vụ tai nạn do say xỉn và mất tập trung.
Bên cạnh đó, loại xe này có tiềm năng mang lại những khoản lợi nhuận béo bở. Ngày 14-4 vừa qua, chính quyền bang California (Mỹ) đã cấp phép cho Tập đoàn Apple thử nghiệm công nghệ xe tự hành trên đường phố của bang này. Giới phân tích nhận định, Apple sẽ mất nhiều thời gian để bắt kịp công nghệ tự lái, song với 246 tỷ USD tiền đầu tư, Apple hoàn toàn có thể mua được công nghệ để đẩy nhanh chương trình đầy tham vọng của mình.
Tại Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung cũng nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Hàn Quốc để bắt đầu thử nghiệm công nghệ xe tự hành trên các tuyến đường công cộng trong nước. Theo mạng tin công nghệ TechCrunch, việc Samsung tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ xe tự hành là điều không quá bất ngờ, đặc biệt khi Samsung luôn là công ty “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2015, Samsung tuyên bố tập trung nhiều nguồn lực phát triển công nghệ xe tự hành, trong đó hướng chủ yếu vào phát triển các bộ phận trên xe thay vì toàn bộ xe. Mục tiêu của công ty chính là nghiên cứu để tạo ra cả bộ cảm biến và bộ vi xử lý dành cho các nhà sản xuất ô-tô cũng như những đối tác khác trong tương lai. Bên cạnh đó công ty Hàn Quốc cũng phát triển phần mềm cho xe tự hành, bao gồm trí thông minh nhân tạo (AI) và thuật toán nâng cao...
Theo AFP, nhiều hãng sản xuất ô-tô lớn và các nhóm công nghệ đang phát triển xe tự hành. Đây được coi là tương lai của ngành ô-tô với các mẫu đầu tiên dự kiến được đưa ra vào khoảng năm 2020.
Xe tự hành của Tập đoàn Google. Ảnh: AMAZONAWS
IoT ứng dụng trong lĩnh vực quân sự
Trong bối cảnh lực lượng khủng bố đang trỗi dậy khắp nơi, những kẻ cực đoan có thể đe dọa mạng sống người khác chỉ trong tích tắc với một cú “nhấp chuột”, việc xây dựng căn cứ quân sự sử dụng công nghệ thông minh sẽ cho phép bảo đảm an toàn hơn nhiều.
Căn cứ quân sự thông minh sử dụng các công nghệ AI, IoT, máy móc tự động phân tích dữ liệu sẽ giúp tăng tốc và nâng cao chất lượng của các nhiệm vụ thực thi. Tất cả kết hợp lại, cùng thu thập và xử lý một lượng lớn dữ liệu, giúp các cấp chỉ huy ra quyết định hợp lý và kịp thời hơn cho các hoạt động của họ.
Hiện nay, một số căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu đã ứng dụng công nghệ thông minh theo nhiều cách khác nhau. Thí dụ, căn cứ quân đội Mỹ ở bang Georgia mới khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời, cho phép hoạt động độc lập với lưới điện địa phương, duy trì mọi hoạt động bình thường cho căn cứ trong trường hợp khẩn cấp. Căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carolina (Mỹ) đang thử nghiệm các phương tiện vận chuyển không người lái để chuyển thương, bệnh binh trên tới các điểm cấp cứu.
Ngoài việc tăng cường an ninh và giúp tiết kiệm năng lượng, IoT còn giúp cải thiện cuộc sống trong các căn cứ quân sự. Các thiết bị cảm biến có khả năng phân biệt nhân viên quân sự với các nhân công thời vụ; hỗ trợ điều tiết giao thông tránh tắc nghẽn trong giờ cao điểm buổi sáng hay khi những sự kiện công cộng lớn diễn ra. Các cảm biến trong thùng rác có thể giúp nhân viên thu dọn rác thải quản lý công việc tốt hơn; cảm biến trên các kệ hàng trong các cửa hàng tạp hóa của căn cứ thu thập dữ liệu giúp tự động hóa quá trình cung cấp quân nhu; công nghệ xây dựng và quy hoạch đô thị tiên tiến có thể giúp các căn cứ thiết kế những khu vực sử dụng hỗn hợp giảm được hàng triệu USD về chi phí tác động của môi trường thông qua việc xác định các khu vực có thể được tái sử dụng.
Tại Ấn Độ, một ứng dụng start-up (khởi nghiệp) công nghệ có tên Tonbo Imaging chuyên cung cấp cho chính quyền New Delhi những công nghệ cho phép phát hiện và tái tạo hình ảnh các vật thể trong bất kỳ điều kiện môi trường nào. Công nghệ này cũng cho phép quân đội Ấn Độ thu được các thông tin tình báo có ý nghĩa sống còn đối với các cơ sở quân sự và tính mạng của quân nhân, đặc biệt là ở khu vực biên giới của nước này.
Ngoài ra, Tonbo Imaging còn đang phát triển hệ thống tầm nhìn phục vụ công nghệ xe tự hành. Các ứng dụng của Tonbo Imaging cho phép những chiếc xe thông minh có thể phát hiện các chướng ngại vật, chạy trong địa hình sương mù, mưa, bão hay trong các điều kiện thời tiết xấu khác. Hiện tại, hãng Tesla Motors và Uber đã liên hệ chạy thử ứng dụng của Tonbo Imaging.
Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Tin tặc có thể làm lây nhiễm malware (phần mềm độc hại) vào thiết bị thông minh. Việc đưa vào một lượng lớn các thiết bị cảm biến không dây và kết nối chúng tới những phần quan trọng nhất của căn cứ quân sự có thể dẫn đến những rủi ro về bảo mật. Do vậy, cải thiện bảo mật là nhiệm vụ quan trọng của các tập đoàn công nghệ nhằm bảo vệ ngôi nhà thông minh của mình trước những đe dọa từ tin tặc.