Hướng đi nào cho trung tâm thương mại?

Vắng khách là thực trạng chung của các trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội vào thời điểm này. Điều đó cho thấy, TTTM vẫn đang trong thời kỳ gian khó bất chấp ngành bán lẻ luôn được dự báo lạc quan.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều gian hàng trong trung tâm thương mại vắng bóng người mua.
Nhiều gian hàng trong trung tâm thương mại vắng bóng người mua.

1/ Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tổ hợp TTTM Artemis (Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) bắt đầu vắng vẻ, kể cả vào những ngày cuối tuần. Khách du lịch không nhiều, người dân cũng hạn chế ra ngoài vui chơi, mua sắm khi dịch bùng phát mà chỉ tập trung mua những vật dụng thiết yếu. Điều này khiến tình hình kinh doanh gặp khó khăn. Ba năm qua, nhiều cửa hàng ở đây đã đóng cửa, thậm chí đóng cửa sớm hơn hàng quán của chợ truyền thống. Khu vui chơi của trẻ em lẫn người lớn hầu như không có khách. Trong khi đó, chi phí nhân viên, mặt bằng quá lớn. Vì thế, ngay cả các thương hiệu lớn, từ ngành hàng thời trang đến thực phẩm đều không trụ lại được.

Hoạt động từ năm 2017, có diện tích cho thuê hơn 28.000m2, nằm trên bảy tầng khối đế của tòa nhà, Artemis thuộc số ít TTTM ở Hà Nội có vị trí hai mặt tiền, hai mặt thoáng, tọa lạc ngay khu vực dân cư đông đúc. Artemis dường như hội đủ các điều kiện thuận lợi của một TTTM: tầng hầm gửi xe rộng rãi, hiện đại, vị trí thuận lợi, các gian hàng phong phú bao gồm thời trang, ăn uống, rạp chiếu phim CGV hiện đại. Ngoài ra, nơi đây cũng có khu chung cư cao cấp 365 căn hộ với mức thu nhập từ trung lưu trở lên. Thậm chí, các nhãn hàng để được thuê gian hàng ở đây cũng phải là nhãn hàng cao cấp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi thói quen mua sắm, tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp vận hành TTTM lại không kịp thích nghi để tạo ra giá trị phù hợp tiện ích xã hội. Cho đến thời điểm này, các cửa hàng đã trao trả mặt bằng gần hết và mọi thứ đều bị bỏ trống. Nơi đây giờ được người dân tận dụng không gian để đi bộ, tập thể dục, tránh khói bụi ngoài đường cho đỡ lãng phí.

Câu chuyện các TTTM cao cấp vắng khách không phải là mới. Nhiều năm trở lại đây, các tòa nhà cao tầng, siêu thị, trung tâm mua sắm mọc lên ngày một dày đặc tại Thủ đô. Nhưng mức độ xuất hiện ấn tượng lại chưa đi liền hiệu quả kinh doanh cũng như thu hút khách hàng, kết quả là chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhiều nơi đã rơi vào cảnh cửa đóng then cài, mất cả năm trời để tái cấu trúc và tìm hướng đi mới. Ngoài Artemis, còn có thể kể đến hàng loạt thương hiệu tên tuổi khác như Tràng Tiền Plaza, Parkson, Mipec Tower… cũng ít nhiều rơi vào cảnh tương tự, dù những nơi này đều tọa lạc ở các vị trí đất “vàng” song đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

2/ Bán lẻ là ngành hiếm hoi của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bền bỉ suốt hai thập kỷ qua, nhưng có lẽ thị trường bán lẻ đã qua thời đến tận nơi để “sờ tận tay, ngắm tận mắt”, hay chỉ chú ý vào thương hiệu nội hay ngoại. Giờ đây doanh nghiệp nào nhanh tay hơn và có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng sẽ có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.

Thực tế, các doanh nghiệp thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo… đang phần nào định hình lại cuộc chơi trên thị trường bán lẻ. Bởi hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là khách hàng có thể “mua cả thế giới” với các hình thức thanh toán và vận chuyển rất nhanh chóng, thuận lợi. Các trang web, ứng dụng thương mại điện tử đang đi vào từng ngõ ngách đời sống cư dân đô thị. Điện thoại thông minh tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử nhanh đến mức chóng mặt. Nhìn vào hình thức marketing truyền thống của các TTTM, có thể dễ dàng nhận ra chủ yếu tập trung vào yếu tố 4P: Product, Price, Place, Promotion (sản phẩm, giá, phân phối, truyền thông). Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ 4.0, tiếp tục xây dựng và vận hành mô hình 4P là chưa đủ, các TTTM còn phải chú ý gia tăng trải nghiệm người dùng và thấu hiểu khách hàng.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, chiến lược kinh doanh là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của các nhà phát triển TTTM. Đó sẽ là những kế hoạch kinh doanh, định vị thương hiệu, định vị khách thuê, hay áp dụng các công cụ tiếp thị hỗn hợp (marketing mix), đa dạng hóa sản phẩm… Hiện nay, bán lẻ không còn là mảnh đất riêng của các TTTM. Vì thế, các nhà phát triển TTTM cần đưa ra những phương án phù hợp và kịp thời để thỏa mãn mong muốn của khách thuê, hỗ trợ nhu cầu sử dụng mặt bằng của hộ kinh doanh bán lẻ và thúc đẩy hoạt động cho thuê trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, ngoài việc cân nhắc các tiện ích khác như chỗ để xe hay biển hiệu quảng cáo để thu hút khách thuê, các nhà phát triển TTTM nên phối hợp giữa kênh offline hiện có và phát triển các kênh online mới để tăng sức mạnh cạnh tranh. Đặc biệt, cần bắt đầu tích cực áp dụng các ứng dụng công nghệ 4.0 như: AI, không gian 3D thực tế ảo để xây dựng giải pháp quảng bá hình ảnh mới cho các TTTM với mục đích mang lại những trải nghiệm chân thật cho khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế dẫn đầu.