Hồi sinh jeans cũ

Với óc sáng tạo không ngừng nghỉ, gần 5 năm nay, Phạm Thị Hải Dương (SN 1995, quê tỉnh Phú Yên) đã tái chế hàng nghìn chiếc quần jeans cũ thành những chiếc balo, túi xách, ví tiền… độc đáo, giúp hồi sinh vòng đời của đồ jeans cũ. Song song đó, cô cũng mở lớp dạy trực tiếp và trực tuyến để truyền cảm hứng và kinh nghiệm tái chế jeans đến những người có cùng sở thích. Thời Nay có dịp trò chuyện cùng Phạm Thị Hải Dương về công việc thú vị này.
0:00 / 0:00
0:00
Hải Dương (bên phải) cùng học viên với tác phẩm tái chế.
Hải Dương (bên phải) cùng học viên với tác phẩm tái chế.

PV: Cơ duyên nào đưa bạn đến với công việc tái chế jeans?

Phạm Thị Hải Dương: Năm 2019, trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện mình có rất nhiều quần jeans cũ. Sau khi chọn lọc quyên góp cho các tổ chức từ thiện, tôi giữ lại những chiếc có họa tiết độc đáo nhưng đã lỗi mốt. Tôi lên mạng tìm hiểu và nhận ra vải jeans rất bền, có thể tái chế may thành những vật dụng sử dụng trong gia đình như lót ly, lót ghế, thảm chân và đặc biệt là balo, túi xách. Tôi mày mò tìm hiểu và sử dụng đồ jeans cũ của mình để may thành những chiếc balo, túi xách đầu tiên. Sau khi đăng lên mạng xã hội, mọi người cảm thấy rất thích thú và ngỏ ý muốn mua. Từ đó, tôi bén duyên và duy trì công việc tái chế jeans cho đến bây giờ.

PV: Những thuận lợi và khó khăn khi bạn đến với công việc này là gì?

Phạm Thị Hải Dương: Thuận lợi đầu tiên phải kể đến là tôi đã từng học qua lớp thiết kế thời trang nên có những kiến thức cơ bản về chất liệu, bố cục, mầu sắc, cách dùng máy may, cắt may… Thuận lợi kế tiếp là nguồn cung cấp jeans cũ khá dồi dào nhưng lại có rất ít cá nhân, đơn vị cạnh tranh ở mảng này. Tuy nhiên, jeans cũ là một chất liệu khá đặc thù. Để may được thành sản phẩm, tôi phải tìm đọc các tư liệu về tái chế jeans, tự mày mò, tìm hiểu cách làm sạch, xử lý ra mầu. Khó nhất có lẽ là khâu trang trí chi tiết bởi jeans có tính thô cứng, nếu không khéo léo kết hợp, sản phẩm sẽ kém hấp dẫn và độc đáo. Chưa kể không phải đồ jeans nào cũng làm túi được nên đòi hỏi khâu chọn lọc jeans phải cẩn thận. Với tôi, dù là sản phẩm tái chế nhưng phải bảo đảm thẩm mỹ, sạch đẹp, tinh tế, tránh cảm giác chắp vá hay quá sơ sài để người dùng có cảm giác tự tin khi mang túi.

PV: Các sản phẩm từ jeans của bạn có giá thành ra sao?

Phạm Thị Hải Dương: Các sản phẩm từ jeans cũ của tôi khá đa dạng và mỗi sản phẩm có giá dao động từ 300.000 - 700.000 nghìn đồng tùy theo kích thước và độ phức tạp. Tính đến nay, tôi đã bán ra thị trường trong nước khoảng 7.000 sản phẩm các loại.

PV: Được biết, ngoài may và bán các sản phẩm từ jeans, bạn còn mở các khóa dạy thiết kế và may túi từ jeans cũ. Bạn hãy chia sẻ kỹ hơn về các khóa dạy của mình?

Phạm Thị Hải Dương: Để đáp ứng nhu cầu học của đông đảo học viên khắp mọi nơi, tôi mở các lớp dạy tái chế jeans bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với lớp trực tiếp, học viên sẽ được học các kỹ thuật cơ bản của may mặc và may túi thông qua các mẫu túi đang được tôi thương mại hóa. Tương tự với lớp trực tuyến, học viên sẽ học qua các video sản xuất sẵn, được hỗ trợ tìm kiếm phụ liệu, nắm các kỹ thuật cơ bản của may túi, thiết kế mẫu, thẩm mỹ, xử lý chất liệu… Tính đến nay, tôi đã đào tạo cho khoảng 45 học viên. Ngoài học viên trong nước, tôi cũng có học viên là người Việt đang sống ở Singapore và Đài Loan (Trung Quốc). Sau khi hoàn thành khóa học, hầu hết học viên đều nắm được các kỹ thuật may túi và đã thương mại nhiều sản phẩm, tạo sinh kế, tăng thu nhập.

PV: Thời gian tới bạn có dự định gì đối với công việc tái chế jeans? Bạn muốn gửi gắm và truyền tải thông điệp gì qua công việc này?

Phạm Thị Hải Dương: Tôi dự định mở rộng việc sản xuất sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động tại quê nhà Phú Yên, đồng thời mở rộng các lớp dạy may túi và tăng cường tìm đầu ra để nhiều người biết đến các sản phẩm tái chế từ jeans cũ. Thông qua việc tái chế, tôi muốn tạo ra vòng tuần hoàn, kéo dài đời sống cho jeans, một chất liệu có tuổi thọ, có câu chuyện và tính ứng dụng cao. Đồng thời, muốn tạo ra hệ sinh thái lành mạnh cho những ai quan tâm tới lối sống tiêu dùng có cân nhắc, có tỉnh thức, góp một phần nhỏ vào việc giảm rác thải thời trang ra môi trường.

PV: Cảm ơn Hải Dương và chúc công việc hồi sinh jeans cũ của bạn ngày càng được nhiều người hưởng ứng để góp phần bảo vệ môi trường.