Học “check-in cảm xúc” mỗi ngày

Ths Hồng Đinh được biết đến là người sáng lập trang “Học kiểu Mỹ tại nhà” với hơn 50 nghìn người theo dõi, rất được chú ý trong cộng đồng cha mẹ học sinh ở Việt Nam. Cuốn sách đầu tay “Học kiểu Mỹ tại nhà” xuất bản lần đầu năm 2019, là cuốn bán chạy nhất về thể loại giáo dục. Sau thành công tiếp theo với cuốn “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà”, chị vừa ra mắt cuốn sách thứ ba “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” (Nhã Nam và NXB Thế giới).
0:00 / 0:00
0:00
Học “check-in cảm xúc” mỗi ngày

Theo tác giả, để giúp các em học sinh có thể vui vẻ, hạnh phúc hơn, Viện Tâm lý Trẻ em của Mỹ đã gợi ý cho bố, mẹ và thầy, cô giáo các hoạt động dựa trên việc điều tiết các nhóm chất và kích thích tố tích cực cho não bộ mà các hoạt động này mang lại. Đó có thể là ăn những món ngon, món ăn ưa thích, xem phim, chơi ngoài trời, thử làm điều gì đó mới mẻ hay chạy hoặc đi xe đạp, hoạt động thể chất như nhảy, bơi hoặc yoga, thiền để chống lo sợ… Nhiều hoạt động đơn giản như cha mẹ ôm hôn con cái, ăn tối cùng nhau, phơi nắng, ra ngoài thiên nhiên… đều được các chuyên gia khuyến khích nhằm cải thiện cảm xúc.

Thông qua sáu phần của cuốn sách, tác giả đã làm rõ những tổng quan về trí thông minh cảm xúc (SEL) và giáo dục cảm xúc xã hội trong phần một; liệt kê năm năng lực SEL cho học sinh cấp I, cấp II và III trong phần hai và ba; thực hành giáo dục cảm xúc xã hội tại trường học Mỹ như: gợi cảm hứng từ đầu năm học, luôn duy trì giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên, Check-in cảm xúc mỗi ngày… trong phần bốn; “Thực hành giáo dục cảm xúc xã hội tại nhà” trong phần năm; và phần cuối cùng, phần sáu dành cho “Giáo dục cảm xúc xã hội cho các trường hợp đặc biệt (học sinh tài năng, trẻ khuyết tật, trẻ có nhu cầu đặc biệt…).

Có thể thấy, trong cuốn sách, tác giả tiếp tục mạch chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giáo dục về một trong những đề tài còn khá mới ở Việt Nam. Năng lực cảm xúc xã hội (SEL) là quá trình tiếp thu và rèn luyện các kỹ năng để nhận dạng và quản lý cảm xúc, cũng như các kỹ năng liên cá nhân và thái độ quan tâm tới người khác. Bằng những chỉ dẫn mạch lạc, cụ thể và hữu ích, cô giáo Hồng Đinh đã chia sẻ không gian thực hành của một lớp học từ Atlanta (Mỹ). Trong lớp học ấy, các học trò cô đang thực hành quản trị cảm xúc thông qua những hoạt động thường ngày, như trao đổi thẳng thắn, vẽ tranh, gọi tên cảm xúc…

Tác giả chia sẻ: “Trong quá trình viết cuốn sách, tôi nhận thấy nhu cầu tìm hiểu vấn đề này rất lớn nhưng nguồn tài liệu thì rất hiếm ở Việt Nam và không có sự đào tạo chính thống nào, không có chương trình nào được giới thiệu một cách quy củ, hệ thống và cung cấp đầy đủ thông tin. Mọi người rất mong có một cuốn sách bằng tiếng Việt để thông qua đó hiểu rõ được về giáo dục cảm xúc xã hội”.