Hai tuần sau thảm họa, các tổ chức nhân đạo của LHQ cho biết, nhiều thi thể vẫn còn nằm dưới đống đổ nát hoặc mất tích trên biển.
LHQ ước tính ít nhất 4.000 người thiệt mạng, song các nguồn dữ liệu cung cấp số liệu tử vong khác nhau, trong khoảng từ 4.000 đến 11.000 người. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết, hoạt động ứng phó và viện trợ hiện tập trung vào việc thu thập người chết vì lo ngại dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hơn 43.000 người ở miền đông bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực ngập lụt do thiếu nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt. Thành phố Derna là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, với khoảng 30.000 người phải di dời nơi ở. LHQ cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao. Các bệnh truyền nhiễm bùng phát ở các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai có thể gây ra một cuộc khủng hoảng y tế.
Cùng nhu cầu viện trợ cấp thiết về lương thực, thực phẩm và nước uống, đối với hàng chục nghìn cư dân Derna sống sót sau lũ, chấn thương tâm lý và tình trạng bất ổn cũng là mối lo ngại cấp bách. Theo OCHA, cung cấp hỗ trợ về tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng là ưu tiên hàng đầu với những người sống ở miền đông Libya.
Trong chuyến thăm Benghazi tuần trước, Điều phối viên nhân đạo của LHQ, bà Georgette Gagnon phải thốt lên rằng: “Thật đau lòng khi biết những gì các gia đình đã trải qua và nỗi đau nặng nề mà họ phải chịu đựng”. Theo quan chức LHQ, tổn thất tinh thần là rất cao và cần có sự hỗ trợ khẩn cấp để giúp mọi người chữa lành. Bí ẩn về số phận của khoảng 10.000 người chưa được tìm thấy tiếp tục đè nặng tâm lý người dân Derna.
Thảm họa lũ kinh hoàng đổ ập xuống vùng miền đông Libya, đẩy người dân quốc gia Bắc Phi vào tình cảnh “họa vô đơn chí”. Đất nước chưa phục hồi sau chiến tranh, xung đột phần nào lắng dịu, song giải pháp chính trị lâu dài vẫn chưa đạt được. LHQ kêu gọi các phe phái gạt bỏ bất đồng, tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ, ưu tiên cấp bách nhất trong thời điểm hiện nay.