Hết nạc, vạc đến xương

Điều không mong muốn nhất đã xảy ra đối với ngành năng lượng châu Âu, đó là Đức và một số quốc gia khác ở “lục địa già” buộc phải khởi động lại khai thác điện than, trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY

Reuters cho hay, Mehrum là nhà máy điện than đầu tiên hoạt động trở lại tại Đức từ ngày 31/7, với công suất khoảng 270 megawatt. Trong khi đó, Italy có thể sớm kích hoạt kế hoạch khí đốt khẩn cấp, qua đó mở đường cho việc tăng sản lượng điện tại sáu nhà máy điện than..., vốn dự kiến phải đóng cửa vào năm 2025 để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Hà Lan dự kiến nối gót Đức nới lỏng các hạn chế đối với các nhà máy nhiệt điện than, trong bối cảnh nước này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Chính phủ Áo cũng nhất trí phương án khởi động lại nhà máy nhiệt điện than nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp năng lượng nếu Nga khóa hoàn toàn van khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, do Nga siết chặt nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, vốn đóng vai trò quan trọng chiến lược cho an ninh năng lượng của Đức, xuống mức 20%, nên Berlin phải chuẩn bị về mặt pháp lý để đưa các nhà máy điện than trở lại thị trường. Việc phải quay lại sử dụng điện than khiến Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phải thốt lên rằng: “Điều này thật cay đắng song là cần thiết cho tình huống hiện nay”.

Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie cảnh báo, trong trường hợp Dự án Dòng chảy phương Bắc bị đóng hoàn toàn, châu Âu sẽ không thể tích lũy đủ lượng khí đốt cho mùa đông tới và điều này sẽ trở thành một thảm họa thật sự đối với “lục địa già”. Thời gian qua, EU đã rất nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng khí đốt khác để không còn hoặc giảm mức độ lệ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, điều này cần nhiều thời gian chứ không thể diễn ra một sớm một chiều.

Để tránh một mùa đông không khí đốt đang tới gần thì EU “hết nạc phải vạc đến xương”, dù cho điện than lâu nay đã không còn có chỗ đứng trong chiến lược an ninh năng lượng của khối.