Hé mở ô cửa tâm hồn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Những dòng di cảo của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh để lại cho người đọc hôm nay hiểu rõ hơn về cuộc sống và những khát vọng văn chương của hai tài năng thi ca Việt.

Hé mở ô cửa tâm hồn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Mong đi bộ đội

Cầm cuốn sách “Di cảo Lưu Quang Vũ” (NXB Trẻ, 2018), do PGS, TS Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ tuyển soạn, không khỏi có những bùi ngùi. Bởi ở đó, những trang đời của Lưu Quang Vũ hiển lộ, với nhiều khát khao sống, viết, và cống hiến. “Di cảo Lưu Quang Vũ” dày gần 450 trang khổ lớn, được chia làm ba phần: Nhật ký Lưu Quang Vũ với tiêu đề: “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường”, thơ: “Những bông hoa không chết”, phần phụ lục “Người trong cõi nhớ” gồm bốn bài viết của các tác giả Anh Chi, Bùi Vũ Minh, Ngô Thảo...

Theo PGS, TS Lưu Khánh Thơ, ngoài những tập thơ đã xuất bản và hơn 50 vở kịch đã được công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở… một số đã được công bố vào khoảng năm 2008 và đến năm 2018, gia đình tiếp tục công bố phần còn lại.

Đáng chú ý là những trang nhật ký Lưu Quang Vũ để lại. Đó là những dòng nhật ký trải dài từ ngày 21-2-1963 và đến ngày 8-1-1966, khi ông đang là lính thuộc một đơn vị không quân ở sân bay Đa Phúc. Dù chỉ là một phần rất nhỏ so cuộc đời 40 năm của tác giả, nhưng qua đó cũng cho thấy những tâm sự chân thành của Lưu Quang Vũ.

Trong nhật ký viết vào đúng ngày sinh nhật 16 tuổi, ngày 17-4-1964, Lưu Quang Vũ ghi: “…16 năm, bao nhiêu nghĩa tình, thế mà ta vẫn chưa trả được một chút gì gọi là có. 16 tuổi, ta còn có cả một cuộc đời trước mắt: Vũ ơi! Hãy làm việc sao cho xứng đáng …”. Một năm sau, đúng ngày sinh của mình, Lưu Quang Vũ viết: “Hôm nay là sinh nhật mình đây, tròn 17 tuổi, nhưng đang mong đi bộ đội, chẳng còn bụng dạ nào tổ chức sinh nhật nữa… Tối nay mình cũng phải đi thi văn, tuy không thích một chút nào cả…”.

Hé mở nội tâm

Cũng như Lưu Quang Vũ, thi sĩ Xuân Quỳnh cũng để lại nhiều trang nhật ký, thư từ… Trong cuốn “Xuân Quỳnh - nghịch lý của tình yêu và số phận” cũng được NXB Trẻ ra mắt dịp này, công bố nhiều trang ghi chép của Xuân Quỳnh cùng những bức thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ. Theo PGS, TS Lưu Khánh Thơ, Xuân Quỳnh là người rất chịu khó đi thực tế, dấn thân vào đời sống, buông bút xong một bản thảo, thu xếp tạm ổn công việc, gia đình, con cái là bà sửa soạn hành trang lên đường, không ngại ngần đến những vùng đất trọng điểm, đầy khó khăn nguy hiểm.

Khác với Lưu Quang Vũ, ghi nhật ký theo ngày, những di cảo Xuân Quỳnh để lại nằm tản mát trong những cuốn sổ tay ghi chép. Những ghi chép bắt đầu từ những năm 1967, đến năm 1973. Thời kỳ này Xuân Quỳnh có nhiều chuyến đi thực tế về Vĩnh Linh, Quảng Bình, Quảng Trị. Những trang sổ ghi chép chi chít chữ, nhiều lúc viết theo mạch rất dài, nhưng nhiều khi chỉ ghi gọn: “Vĩnh Thủy. B52 đánh đầu tiên. Anh Điền chủ nhiệm hợp tác xã”.

Đọc những ghi chép này, có thể thấy đầy đủ các chất liệu cho một bài ghi chép, hoặc một thiên phóng sự. Ở đó hiện ra sự kiện, ra việc, ra người. Đó là anh Luyến, là chị Thơm, cô Hồng, anh Thiện… Đúng như PGS, TS Lưu Khánh Thơ nhận xét, đây không phải là nhật ký theo trình tự thời gian kế tiếp nhau một cách thông thường mà là nhật ký ghi chép những sự việc, ấn tượng đặc biệt, những chân dung tiêu biểu, một thứ vốn liếng, chất liệu sáng tác của nhà văn. Những ghi chép cụ thể, tươi nguyên sự sống qua con mắt và tấm lòng của một nhà thơ nữ thông minh, tinh tế tự bản thân nó đã nói lên được những điều vô cùng sâu sắc và vô cùng ý nghĩa về những năm tháng hào hùng và ý nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Còn mảng thư từ cũng góp phần hé mở ô cửa tâm hồn của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Dù trong sách này chỉ công bố những bức thư Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ gửi cho nhau, nhưng người đọc cũng đủ để hiểu được đời sống nội tâm của hai thi sĩ, nhất là trong những năm tháng cuối đời… Gần 800 trang sách, “Di cảo Lưu Quang Vũ” và “Xuân Quỳnh - nghịch lý của tình yêu và số phận” đã dựng nên một đời sống nội tâm của vợ chồng hai thi sĩ nổi tiếng Việt Nam thế kỷ 20.