Hãy là người tiêu dùng thông minh

Chính trong những ngày này, dịp gần Tết, lại có những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cần lưu ý. Trước hết là từ mỗi cá nhân, gia đình. Đó là việc giữ gìn, phòng tránh nguy cơ mất an toàn, ngộ độc thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00

Thật vậy! Khó lòng ngăn cản và lường trước những nguy cơ tai hại từ những nguồn cung cấp bất hợp pháp, những đầu mối giấu giếm, lợi dụng nhu cầu xã hội để trục lợi bất chính. Thực tế là thời gian qua, sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết, thực phẩm cung cấp cho người lao động, công nhân các khu công nghiệp, khu dân cư…, đã có những trường hợp bị phát hiện là hàng đông lạnh để lâu, hàng quá hạn, hàng đã có biểu hiện kém chất lượng… được phân tán, tiêu thụ trong xã hội.

Mà những trường hợp như vậy, khi thiếu vắng lực lượng chức năng, các đoàn kiểm tra liên ngành, thì người dân đến các siêu thị, chợ đầu mối, chợ cóc… không dễ phát hiện, phòng, tránh. Bởi không ít các sản phẩm kém chất lượng, được tiêu thụ chui, ngầm, luồn lách qua các cửa kiểm duyệt, thanh kiểm tra, đều có mẫu mã, bao bì tưởng như chuẩn chỉnh, cũng như có các nguồn cung cấp được cho là bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, thương hiệu nhà cung cấp…

Bởi thế, ngoài các vụ việc do cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, công bố rộng rãi, cảnh báo cho toàn dân, thì thực tế, đã, đang và sẽ còn không ít những trường hợp người tiêu dùng đang, sẽ có thể bị lừa gạt, sử dụng phải những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng. Vì vậy, lời nhắc nhở muôn thuở, là sự tỉnh táo, thông minh, sáng suốt của người tiêu dùng, vẫn luôn có tính thời sự đối với mọi đối tượng khách hàng. Và như vậy, với các mặt hàng dùng cho dịp cận Tết, giáp Tết, dịp Tết tới đây, không thể thiếu sự tỉnh táo xem xét, cân nhắc, chọn lựa, kiểm tra kỹ càng của người tiêu dùng. Từ thịt lợn, thịt gà, đồ khô, rau củ quả, các loại bánh, mứt, kẹo, các loại hạt, các loại rượu từ rượu ta cho đến rượu tây, rồi các thức uống, kể cả nước ngọt cho đến cà-phê, ca-cao, các loại trà…, và rất nhiều các sản phẩm được dán mác phục vụ Tết khác, các sản phẩm ăn, uống thông thường…, tất thảy, đều cần có sự xem xét kỹ càng của người tiêu dùng ngay khi tiếp cận sản phẩm, cầm bao bì trên tay, nhìn trước mắt, soi chiếu các hình thức mã sản phẩm…

Lâu nay, người dân ta vẫn có ý thức để ý, trông mong vào các nguồn thông tin, phương tiện truyền thông để đề phòng, phòng tránh các sản phẩm trái phép, độc hại, quá hạn, giả mạo… Trong bối cảnh xã hội tiêu dùng được số hóa, nhiều hình thức mua-bán được tận dụng các hiệu quả công nghệ, cũng như xã hội thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng cần lắm sự tỉnh táo, thông minh, nắm bắt thông tin, tri thức để tự bảo vệ, giữ gìn cho sức khỏe của bản thân, gia đình và từ đó, có thể cảnh báo trước cộng đồng.