Từ anti-fan thành Chủ nhiệm ENV
Lúc còn học lớp 10, các bạn rộ lên phong trào nuôi thú cưng độc, lạ vốn là những loài động vật hoang dã, Tuấn cũng không ngoại lệ và còn tham gia các hội, nhóm mua bán. Tuấn nhớ lại, có những lần mình có cả chục cá thể rùa núi vàng. Đối với các bạn trẻ lúc ấy, dường như chưa ai để ý đến việc mất cân bằng hệ sinh thái rừng hay tận diệt động vật hoang dã. Thú chơi là vậy, nên Tuấn cũng không ưa các tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã (Câu lạc bộ ENV) - thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên. Nghĩ lại thời gian đó, Tuấn chia sẻ: “Em rất yêu các loài động vật đang nuôi, tuy nhiên yêu thương như vậy là sai cách. Sau này, em mới hiểu nếu yêu thích thì hãy để chúng sống ở môi trường tự nhiên chứ không phải mang về bỏ vào một cái lồng và chăm sóc”.
Mùa hè năm 2016, sau khi hoàn thành kỳ thi lớp 10, Tuấn chạy xe lên núi Sơn Trà chơi và nhìn thấy loài voọc chà vá chân nâu. Cứ vài ngày bạn lại tranh thủ buổi trưa chạy lên núi xem và tìm hiểu thông tin về loài này qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet). Sau đó, Tuấn đăng ký làm tình nguyện viên của GreenViet, tham gia các đợt đi rừng nghiên cứu tìm hiểu tập tính, đời sống của voọc cũng như hệ sinh thái đa dạng của núi Sơn Trà và các hoạt động của GreenViet trong việc truyền thông tới cộng đồng. Từ đó, suy nghĩ của Tuấn đã thay đổi. Tuấn xóa hết những hình ảnh đã đăng trên Facebook về các loài động vật đã nuôi, không tham gia câu lạc bộ về bò sát, đồng thời trở thành tình nguyện viên của Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng. Năm 2019, Tuấn trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng với hơn 30 tình nguyện viên, tham gia khảo sát, hành động xử lý các vi phạm về bảo tồn động vật hoang dã.
Hành động vì môi trường
Một kỷ niệm làm Tuấn nhớ mãi là lần giải cứu rùa biển. Lúc đó, khi nhận được thông báo từ người dân về một trường hợp nuôi chú vích biển đã 26 năm, Tuấn liền cùng các bạn đến tìm hiểu, khảo sát. Sau khi báo cáo, lực lượng chức năng đã có những biện pháp xử lý trong việc thả cá thể về với tự nhiên.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Tuấn nhận ra rằng việc chuyển một chú vích đã được thuần hóa, quen với môi trường nước ngọt về lại với nước mặn là rất khó, nhất là khi đã được nuôi 26 năm và khá lớn tuổi. Bài học Tuấn rút ra là cần xem xét lại cách xử lý trước mỗi trường hợp, không nhất thiết phải cứng nhắc để tránh gây tổn hại cho động vật.
Tính đến nay, Tuấn cùng các bạn trong câu lạc bộ đã có hơn 500 lần khảo sát vi phạm về động vật hoang dã ở nhà hàng, quán nhậu, tiệm thuốc Đông y hay các hộ dân cư. Các bạn cũng thực hiện hoạst động triển lãm, ký tên ủng hộ bảo vệ động vật hoang dã tại trường học; truyền thông tới cộng đồng, nhất là các em học sinh về tầm quan trọng của lớp trẻ trong việc chung tay bảo vệ…
Ngoài ra, Tuấn cũng tham gia các hoạt động về tiêu thụ nông sản cho bà con các huyện miền núi để giúp người dân phát triển kinh tế, qua đó góp phần thay đổi tư duy người dân, khai thác rừng nhưng không phá hoại môi trường. Bạn cũng tham gia các hoạt động nhằm hướng tới cuộc sống xanh như tham gia thành lập Trạm ECO (một tổ chức nâng cao nhận thức và năng lực của người trẻ ở Đà Nẵng về môi trường thông qua các hoạt động giáo dục và truyền thông); trở thành diễn giả xanh chia sẻ và truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên…
Đam mê với những chuyến đi rừng, tìm hiểu về tự nhiên, Tuấn đang ấp ủ mong muốn cùng cộng đồng người dân làng chài Nam Ô làm du lịch cộng đồng. Dù rất khó, nhưng chàng sinh viên vẫn tràn đầy nhiệt huyết. “Em còn nhiều điều muốn làm, dù biết khó khăn nhưng em sẽ cố gắng thực hiện”, Tuấn tâm sự.