Hai thế hệ cùng lưu giữ lịch sử

“Con chào các cô chú! Con xin được giới thiệu đây là Bảo tàng thông minh biệt động Sài Gòn. Ở đây, con và mọi người kể lại câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, các trận đánh nổi tiếng và cuộc đời của ông nội con cùng đồng đội…”. Chưa nghe Trần Trọng Nhân, 14 tuổi nói hết ý, gần chục khách tham quan bất ngờ ngước mắt nhìn cậu bé nom rất chững chạc, quần áo chỉnh tề. Nhân là cháu nội của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế), thành viên Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
0:00 / 0:00
0:00
Trần Trọng Nghĩa (áo trắng, đeo kính) đang thể hiện tốt vai trò của một người trẻ đam mê giữ gìn và lan tỏa giá trị lịch sử trong cộng đồng.
Trần Trọng Nghĩa (áo trắng, đeo kính) đang thể hiện tốt vai trò của một người trẻ đam mê giữ gìn và lan tỏa giá trị lịch sử trong cộng đồng.

Hành trình phục dựng di tích của một gia đình

Chưa tốt nghiệp bậc Trung học cơ sở nhưng Nhân đã có hàng trăm buổi thuyết minh về hoạt động, tiểu sử của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại hệ thống cà-phê trên nền di tích do ba mình là anh Trần Vũ Bình dành rất nhiều thời gian, công sức phục dựng. Hiện tại, cứ cuối tuần, Nhân thường cùng anh trai Trần Trọng Nghĩa (22 tuổi) tham gia thuyết minh tại ba điểm di tích được nhiều người biết đến là: 113A Đặng Dung (quận 1), 287/72 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) và 145 Trần Quang Khải (quận 1). Dịp hè, thay vì đi nghỉ mát, Nhân dành thật nhiều thời gian để kể chuyện lịch sử và gặp gỡ các nhân chứng thuộc lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa để học thêm nhiều điều hay.

Năm 2018, điểm di tích tại số 113A Đặng Dung của gia đình Nhân chính thức đi vào hoạt động với hình thức trưng bày bảo tàng, di tích lịch sử… Khi đó, Nhân chín tuổi. Thấy anh trai thuyết minh và giới thiệu với khách tham quan về hai căn hầm và hộp thư bí mật do ông nội tạo ra để cùng đồng đội hoạt động trong lòng địch, Nhân xin ba được tham gia phần việc thú vị này. Biết rõ tính con, anh Bình gật đầu rồi âm thầm tìm cách giúp. Bên cạnh việc kể thêm nhiều câu chuyện về Biệt động Sài Gòn, anh Bình hướng dẫn con cách tìm hiểu và giới thiệu về lịch sử, di tích sao cho không sáo rỗng. Nhân sáng dạ, mê lịch sử nên nghe tới đâu, hiểu tới đó. Tất cả chuyện hay được cậu bé ghi chép lại tỉ mỉ trong cuốn tập và đọc đi đọc lại mỗi ngày đến thuộc nằm lòng.

Sau hai tháng tập luyện, Nhân xin ba cho làm thuyết minh viên tập sự. Cả nhà đồng ý, cậu thuyết minh viên nhỏ tuổi háo hức chuẩn bị mọi thứ cho ngày đầu tiên ra mắt. “Mấy chuyện này là em xin ba mẹ làm chứ chẳng ai ép. Em thích tìm hiểu về những điều xưa cũ và không muốn lịch sử bị lãng quên. Từ nhỏ ba đưa em đi khắp nơi là ngày nào cũng kể về lịch sử, về những trận đánh và sự hy sinh thầm lặng của ông nội cùng các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Được đứng tại các di tích do ba mình chuộc lại, kỳ công phục dựng và sưu tầm nhiều hiện vật để kể về câu chuyện về lịch sử, với em đó là niềm tự hào nên ban đầu dù hơi bối rối em vẫn không sợ. Dần dần, khi đọc thêm nhiều thông tin và tập luyện, em tự tin hơn. Em thích nhất là được gặp lại những đồng đội của ông nội trong các buổi thuyết minh ở các di tích vì các ông bà thường mang đến nhiều câu chuyện ý nghĩa góp vào”, Nhân chia sẻ.

Lần đầu thuyết minh về lịch sử, Nghĩa cũng hơi lắp bắp. Thế nhưng, khi nghĩ về những câu chuyện thật hay ba thường kể, nhớ lại các địa điểm mà gia đình từng ghé thăm hay lời kể xúc động từ các nhân chứng lịch sử là đồng đội của ông nội, Nghĩa như được tiếp thêm niềm tin để vững bước trên con đường đặc biệt này. Nghĩa kể, ngày còn nhỏ xíu, cứ cuối tuần, hai ba con lại đi dạo khắp khu vực trung tâm thành phố trên chiếc xe máy quen thuộc. Ba thường đưa Nghĩa đến thăm các di tích, vừa đi vừa ngân nga các bài hát cách mạng. Những câu chuyện lịch sử qua lời kể của ba sống động, gần gũi nên dễ nhớ lắm. Mỗi điểm đến một câu chuyện, kho sưu tầm di tích của Nghĩa cứ lớn dần theo năm tháng, tình yêu với sự hy sinh thầm lặng của thế hệ đi trước cũng nhờ vậy mà được vun đầy.

Ngoài những di tích nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, Nghĩa thường xuyên được ba chở đến thăm hầm chứa vũ khí bí mật của biệt động Sài Gòn ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, nơi ngày xưa ông nội cùng đồng đội chứa vũ khí để hoạt động cách mạng. Càng lớn, Nghĩa có dịp theo ba đến gặp gỡ những đồng đội ngày xưa của ông nội và nghe kể nhiều chuyện hay. Thời điểm đó, anh Bình đã ngược xuôi khắp nơi tìm và chuộc lại được nhiều di tích liên quan đến quá trình hoạt động của ba mình nhưng thực lòng chưa biết làm gì để lan tỏa giá trị lịch sử đến cộng đồng. Bỗng một ngày Nghĩa thắc mắc “Ba ơi, ông nội và đồng đội làm rất nhiều việc ý nghĩa cho đất nước nhưng tại sao không được nhiều người biết tới?”. Từ trăn trở này của Nghĩa, hai ba con quyết tâm phục dựng lại các điểm di tích với mục đích nhấn mạnh bốn chữ “Biệt động Sài Gòn”, để nhiều người, đặc biệt là giới trẻ biết họ là ai, đã làm những gì cho nền hòa bình, độc lập ngày nay.

Hai thế hệ cùng lưu giữ lịch sử ảnh 1

Em Trần Trọng Nhân (ngoài cùng, bên trái) rất yêu thích việc thuyết minh về các câu chuyện liên quan đến lực lượng biệt động Sài Gòn.

Cùng nhau gìn giữ

Sau khi điểm di tích số 113A Đặng Dung đi vào hoạt động một thời gian, Nghĩa mạnh dạn bày tỏ ý tưởng với gia đình: phát triển thêm điểm đến và mở rộng thành hệ thống vừa gìn giữ di tích, vừa giới thiệu các món ăn, thức uống nổi tiếng của Sài Gòn ngày trước để thu hút khách tham quan. Không lâu sau, chuỗi tiệm Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn được thành hình trên nền các di tích anh Bình phục dựng và hoạt động hiệu quả đến tận bây giờ. Từ những ngày chở con đi khắp các di tích lịch sử ở thành phố để truyền lửa rồi dạo chợ đồ cổ Lê Công Kiều để tìm cho bằng được các kỷ vật gắn liền với những cột mốc lịch sử quan trọng của cha mình và đồng đội, đến nay, ba cha con anh Bình đã nắm trong tay một kho thông tin quý giá về lực lượng biệt động Sài Gòn.

Không chỉ trực tiếp hỗ trợ gia đình vận hành hệ thống di tích, Nghĩa còn nảy ra nhiều ý tưởng mới với mong muốn thu hút được người trẻ như mình đến nghe câu chuyện lịch sử hào hùng. Đi thuyết minh tại các điểm, gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử và tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, khi nào Nghĩa cũng tự hỏi “Tại sao không thành lập một chuỗi bảo tàng với những mô hình khác nhau dựa vào tình hình thực tế tại mỗi điểm?”. “Điểm ở Đặng Dung và Nguyễn Đình Chiểu có sẵn di tích với câu chuyện thú vị, còn điểm ở 145 Trần Quang Khải thì không. Nơi đây trước kia chỉ là xưởng may nệm và sofa của Nghiệp đoàn Trang trí nội thất Mai Hồng Quế. Không có lợi thế về di tích hay hiện vật, tôi nghĩ đến việc tổ chức Bảo tàng thông minh, mượn công nghệ để kể những câu chuyện sống động về biệt động Sài Gòn tại địa điểm này. Đến nay, Bảo tàng thông minh về biệt động Sài Gòn được rất nhiều người yêu thích”, Nghĩa vui vẻ cho hay.

Bên cạnh ba “tiệm cà-phê” đặc biệt kể trên, đến thời điểm này, gia đình anh Trần Vũ Bình đã phục dựng hơn 10 di tích quan trọng liên quan đến lực lượng biệt động Sài Gòn tại nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh. Ngày ngày, dù công việc rất bận nhưng anh Bình vẫn luôn đồng hành, truyền lửa để các con nỗ lực hết sức trong việc sưu tầm, lan tỏa câu chuyện lịch sử. Hồi mới mở cửa các di tích để mọi người đến tham quan, vào những dịp lễ lớn, anh Bình thường mời các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa đến kể chuyện thời chiến. Càng về sau, sự xuất hiện của các nhân chứng lịch sử tại các di tích ngày càng nhiều. Đến giờ, các buổi trò chuyện thành định kỳ hằng tháng, có khi hằng tuần.

Điều đặc biệt nữa là toàn bộ vị trí nhân viên, quản lý tại các di tích đều được anh Bình lựa chọn và giao cho con cháu của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn phụ trách, phần kiếm thêm thu nhập, phần được sống trong câu chuyện lịch sử hào hùng của cha ông để trân trọng hơn cuộc sống thời bình. Mong muốn lớn nhất của anh Bình là phục dựng, giữ gìn và lan tỏa giá trị thêm nhiều di tích trong lòng dân. Anh Bình nói: “Mình là hậu duệ, mình không giữ gìn thì ai làm thay mình? Mình phải làm thôi. Làm xong, phải có người giữ gìn, phát huy chứ không cũng chẳng đến đâu. Tôi may mắn được gia đình, vợ con ủng hộ. Có thế hệ kế thừa thấu hiểu câu chuyện lịch sử và tự hình thành ý thức giữ gìn, tôi hạnh phúc lắm. Việc tìm mua lại và phục dựng di tích chẳng hề đơn giản nhưng tôi đã làm mấy chục năm rồi, giờ cứ vậy mà tiếp tục trên con đường ý nghĩa này”.