Góp sức xây dựng quê hương

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục văn nghệ chào mừng trong Chương trình Xuân Quê hương. Ảnh: CAND
Tiết mục văn nghệ chào mừng trong Chương trình Xuân Quê hương. Ảnh: CAND

Nguồn lực quan trọng

Năm 2021, sau 19 năm học tập, làm việc ở những môi trường tiên tiến như Hà Lan, Mỹ, kiều bào trẻ Nguyễn Đức Long quyết định từ bỏ vị trí Giám đốc dự án tại Hãng chuyên sản xuất thiết bị y tế Phillips để về nước lập nghiệp, với mong muốn mang những công nghệ hàng đầu thế giới về phục vụ người Việt. Tại Việt Nam, anh đầu quân cho GeneStory - công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực y tế, được ra mắt vào tháng 5/2022.

Là tâm huyết của nhà sáng lập, GS Vũ Hà Văn, Trường đại học Yale, GeneStory quy tụ đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu trở về từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức với ý tưởng chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua giải mã gien. Tháng 12/2022, GeneStory đã vượt qua năm ứng viên chung kết khác để giành ngôi vị quán quân Vietchallenge 2022, cuộc thi kêu gọi vốn lớn nhất dành cho những công ty khởi nghiệp gốc Việt trên toàn thế giới, được tổ chức tại sàn chứng khoán Nasdaq.

Theo anh Nguyễn Đức Long, hiện nay, công ty đang trong giai đoạn thích nghi với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, anh có niềm tin vào thành công bởi trong thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng trên dưới 10%, là mức mà Mỹ và châu Âu nhiều năm rồi không đạt được. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thị trường lớn, với 100 triệu dân, có khả năng phát triển tốt. Ngoài ra, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, thu hút rất lớn các nhà đầu tư nước ngoài. “Với kinh nghiệm từng học tập và làm việc tại cả Mỹ và châu Âu, tôi nhận thấy rằng cơ hội phát triển tại Việt Nam nhiều hơn”, anh Nguyễn Đức Long nói.

Ngoài anh Nguyễn Đức Long, hơn một nửa nhân sự tại GeneStory là những người đã từng học tập và làm việc tại các công ty châu Âu, Mỹ. Chia sẻ về lý do quyết định về nước, Nguyễn Đức Long cho biết, “nhớ nhà” chính là động lực lớn nhất. Thêm vào đó, anh cũng nhận thấy rằng, lĩnh vực công nghệ y tế, y học dự phòng mà công ty đang tập trung là mảng có ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần thúc đẩy y học dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người Việt.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước thời gian qua có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng, chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế… Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu Lạc hồng của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là “phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, hơn bao giờ hết, việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Góp sức xây dựng quê hương ảnh 1

Kiều bào tham gia xúc tiến thương mại đầu tư. Ảnh: DUNG HÀ

Góp sức xúc tiến đầu tư, thương mại

Năm 2022, sau gần ba năm đại dịch Covid-19, trong điều kiện thuận lợi với nhiều tín hiệu tích cực, Chương trình Xuân Quê hương 2023 được tổ chức trở lại với chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”, thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho bà con kiều bào, động viên đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phấn đấu lao động, học tập, đoàn kết xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, vững mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên lề chương trình, 127 kiều bào tiêu biểu đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều người có các dự án đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đã tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại TP Hà Nội. Tham gia chương trình và qua quá trình tìm hiểu, bà Phan Bích Thiện - kiều bào Hungary, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary nhận thấy có một số lĩnh vực mà kiều bào có tiềm năng đầu tư tại Việt Nam. Trước hết, đó là nguồn nhân lực công nghệ cao tương đối dồi dào tại Việt Nam. Theo hướng này, kiều bào Hungary có thể mang những thế mạnh trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y sinh về nước, sử dụng nhân sự ở Việt Nam để gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam có các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, tốt nhưng lại chưa có đủ công nghệ để bảo quản, chế biến. Trong khi đó, vào mùa đông ở Hungary, họ có công nghệ để giữ hoa quả tươi từ mùa hè đến tận tháng 12. “Tôi đang muốn tìm hiểu về hướng này để vừa mang lại lợi ích cho người nông dân, xa hơn là lợi ích của ngành nông nghiệp Việt Nam”, bà Thiện tiết lộ.

Kiều bào ngày càng có xu hướng về Việt Nam sinh sống, đầu tư, kinh doanh. Nhiều người thường dành một nửa thời gian trong năm ở Việt Nam và một nửa thời gian ở nước ngoài. Bởi, như nhiều người giãi bày, dù có đi khắp nơi nhưng dòng máu chảy trong người họ vẫn là dòng máu của người Việt Nam. “Chúng tôi ra đi để quay về vì đây là cội nguồn, là nơi chúng tôi được sinh ra, gắn bó, trải qua những thời gian khó khăn. Giờ đây, khi đã định cư ở nước ngoài, có điều kiện hơn, chúng tôi muốn làm gì đó cho quê hương, cho đất mẹ của mình”, bà Phan Bích Thiện nhấn mạnh. Các kiều bào nhấn mạnh, một điểm thuận lợi không kém quan trọng là các chính sách của Việt Nam đang ngày càng rộng mở, tạo điều kiện để họ cống hiến, đầu tư vào trong nước.

Ngoài ra, với lợi thế sinh sống tại địa bàn, hội nhập sâu vào nước sở tại, có những đối tác ở đây, các kiều bào cũng có nhiều đóng góp trong xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt ở sở tại, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…