1/Dáng người nhỏ nhắn, lối nói chuyện nhẹ nhàng, ý nhị, khi tiếp xúc với Lê Thị Ngọc Tầm (sinh năm 1986), không ít người lầm tưởng cô là nhân viên văn phòng, công việc hằng ngày không mấy vất vả. Chỉ khi chứng kiến cảnh Tầm mướt mải kiểm tra các bình ủ chượp mắm rồi hối hả qua sang kiểm tra quy trình chiết xuất, đóng chai sản phẩm, trả lời điện thoại khách hàng từ các tỉnh thành gọi đến… nhiều người mới tin cô gái ấy là chủ một cơ sở sản xuất nước mắm có tiếng ở làng Tam Thanh.
Cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) chừng 7 km, thời gian gần đây làng Tam Thanh (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh) được nhiều du khách biết đến với tư cách là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam. Với vị trí thuận lợi, một giáp biển, một mặt giáp sông Trường Giang, lại sở hữu cảnh quan thơ mộng, làng Tam Thanh còn lưu giữ trong mình một tài sản vô cùng quý giá đó là nghề làm nước mắm “cha truyền con nối”.
2/Lê Thị Ngọc Tầm chia sẻ, từ khi còn nhỏ xíu, cô đã thấy cụ “cầm tay chỉ việc”, dậy bà nội làm nước mắm. Trong làng, không chỉ riêng gia đình cô mà hầu như nhà nào cũng có vài chum mắm để dành ăn quanh năm. Theo thời gian, số gia đình còn tiếp tục giữ nghề truyền thống của làng mai một dần, hiện chỉ còn lại chừng 40 hộ, trong đó có 12 hộ tham gia hợp tác xã mắm truyền thống của làng Tam Thanh. Thực ra Tầm cũng đã có thời gian “thoát ly” gia đình, theo học đại học, tìm được công việc làm ổn định, thu nhập tốt ở Đà Nẵng. Nhưng rồi vì muốn “nối nghiệp gánh mắm của nội”, muốn “giữ lửa” cho nghề truyền thống của làng, sau gần chục năm gắn bó với phố thị, Lê Thị Ngọc Tầm vẫn quyết định dứt áo trở về quê nhà, cùng cha mẹ bắt tay gây dựng cơ sở nước mắm của gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc nối nghề của tổ tiên, Tầm còn nuôi khát vọng đưa những chai nước mắm do chính tay mình làm ra đến được với nhiều căn bếp của người Việt Nam. Hiện cô gái bé nhỏ ấy đang mang trên mình trọng trách là Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Lan Quảng Nam.
Thành công của Ngọc Tầm là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng người vui nhất có lẽ là bà nội Trương Thị Luân năm nay đã ngoài 90 tuổi. Nhìn đứa cháu nhỏ say sưa nối nghề của cha ông, từng bước gây dựng một cơ sở sản xuất khang trang, tạo công ăn việc làm cho bà con trong làng, xây dựng được niềm tin với khách hàng, bà Trương Thị Luân vô cùng hạnh phúc. Bà tự hào khoe, dù trực tiếp dạy cháu nghề làm mắm, truyền hết cho cháu gái mọi bí quyết, nhưng đến khi chứng kiến cháu tiếp quản công việc của gia đình, bà thừa nhận cháu làm chuyên nghiệp hơn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn thời của mình.
Chị Tầm và bà nội năm nay đã ngoài 90 tuổi. |
Không chạy theo số lượng, Ngọc Tầm cho biết cơ sở của mình duy trì phương thức làm mắm thủ công truyền thống với nguyên liệu chính là cá cơm than biển Ngang Tam Thanh nổi tiếng thơm ngon - “Nhất cá biển Ngang, nhì mực nang một nắng” và muối trắng sạch, chắc hạt. Cá và muối trộn với nhau theo một tỷ lệ nhất định, mang đi ủ chượp trong vòng 10 - 12 tháng. Sau thời gian ủ sẽ cho ra thành phẩm là những giọt nước mắm vàng óng, sánh mịn, có mùi thơm nhẹ dịu đặc trưng, thơm ngon, chất lượng và tốt cho sức khỏe.
3/Năm 2022, Lê Thị Ngọc Tầm là một trong những đại diện của tỉnh Quảng Nam tham gia chương trình “Phụ nữ hợp tác - Kiến tạo tương lai” khởi xướng bởi Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) nhằm phát triển và cung cấp các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp Việt. Chương trình đã chọn 13 trong tổng số hàng trăm dự án khởi nghiệp trong nước do phụ nữ làm chủ tham gia lễ tổng kết, trong đó có 11 dự án của phụ nữ Quảng Nam. Lê Thị Ngọc Tầm với sản phẩm nước mắm Ngọc Lan đã vượt qua 10 dự án khác để đoạt giải nhất trong chương trình. Với sự động viên từ gia đình và bà con xóm làng, cuối năm 2022, Lê Thị Ngọc Tầm đã mang dự án “Nâng tầm sản phẩm làng nghề” tham gia Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia và đã vinh dự lọt top 10 dự án khởi nghiệp quốc gia xuất sắc.
Hiện nay nước mắm cá cơm Ngọc Lan đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP, không sử dụng chất bảo quản và hương liệu bảo đảm giữ nguyên hương vị của mắm và an toàn cho người sử dụng. Lê Thị Ngọc Tầm chia sẻ, cô đang phấn đấu để sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP, đồng thời cũng đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu sản phẩm trên các kênh mạng xã hội để mở rộng thị trường, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về một sản phẩm truyền thống của địa phương.
Trân trọng, có ý thức gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, những thành công của Lê Thị Ngọc Tầm thật sự đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Sự phát triển của mỗi làng quê Việt hôm nay rất cần sự trở về của những người trẻ có chí hướng, tài năng và tâm huyết như vậy.