Gieo vào trẻ tình yêu âm nhạc dân tộc

Có mặt tại chương trình biểu diễn tổng kết dự án “Âm nhạc dân tộc” môn Việt Nam học của học sinh khối 5 và khối 8, Trường phổ thông liên cấp Vinschool Golden River (quận 1, TP Hồ Chí Minh), nhiều phụ huynh không khỏi xúc động. Họ khó có thể tin rằng, những đứa trẻ hằng ngày quen với nhạc sôi động cùng các trò chơi giải trí hiện đại nay hóa thân tròn vai trong các vở diễn đậm chất truyền thống và nói về âm nhạc dân tộc với tất cả niềm hăng say.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục "Trống cơm" kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được nhiều người xem thích thú.
Tiết mục "Trống cơm" kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được nhiều người xem thích thú.

Sân khấu đặc biệt

“Con cò bay lả bay la. Tháng xuân hội mở, đi về có nhau…”. Lần đầu khoác lên mình bộ áo tứ thân và hát múa trích đoạn chèo “Tấm Cám”, bảy học sinh khối 5 cảm thấy vô cùng hào hứng. Khi âm nhạc vang lên, các bạn nhỏ lập tức hóa thân vào từng nhân vật được phân vai với động tác uyển chuyển cùng giọng hát trong trẻo, pha chút bối rối, đáng yêu do lần đầu trải nghiệm loại hình nghệ thuật truyền thống. Phía dưới sân khấu, mọi người cổ vũ nhiệt tình bằng tiếng vỗ tay.

Để có thể tự tin bước lên sân khấu trình diễn, các em nhỏ đã có nhiều tuần liền tham gia dự án “Âm nhạc dân tộc” với sự hướng dẫn tận tình của thầy cô. Không dừng lại ở tiết mục này, các em học sinh khối 5 còn được tiếp cận kiến thức về “Chiếu chèo sân đình”, một loại hình nghệ thuật truyền thống theo cách gần gũi, trực quan nhất. Chưa bao giờ nghe hát chèo, chưa một lần được thấy các đạo cụ mà diễn viên ngày trước thường dùng khi múa chèo, vậy nên, khi được thầy cô giới thiệu và hướng dẫn chi tiết cách thao tác, Dương Ngọc Minh Phương, học sinh lớp 5A2 tỏ ra thích thú. Hôm nay, Phương vào vai nàng Tấm trong trích đoạn chèo để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến người xem: “Nhờ sự hướng dẫn của thầy cô mà tụi em biết rất nhiều điều thú vị về chèo như xuất xứ, cách trình diễn bộ môn. Đứng trên sân khấu, em và các bạn được thoải mái hát múa và cảm thấy rất vui”.

Trong đêm diễn gây quỹ từ thiện hôm ấy, bên cạnh những tiết mục đậm chất truyền thống, có nhóm “diễn viên” còn khéo léo lồng chất hiện đại vào nét xưa cũ, tạo nên tiết mục đẹp mắt, lạ tai nhưng vẫn giữ được trọn vẹn cái hay của làn điệu dân ca. “Bèo dạt mây trôi”, “Gió đánh đò đưa”, “Cò lả”, “Trống Cơm” hay những điệu múa dân tộc Thái độc đáo được tái hiện lại qua phần kết hợp ăn ý của các học sinh khối 8. Xen kẽ những tiết mục biểu diễn của học sinh và nghệ sĩ khách mời là các phần thuyết trình ấn tượng về âm nhạc dân tộc. Cải lương và Chầu văn là hai loại hình được chọn để giới thiệu đến người xem. Ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung, hình ảnh được lựa chọn kỹ càng, điều các nhóm thuyết trình làm tốt nhất trong phần trình bày là lan tỏa được tình yêu với lĩnh vực âm nhạc dân tộc đến mọi người.

Tạo sự lan tỏa lớn

Ngay cả khi cầm trên tay tập tiểu luận dài gần 15 trang với thiết kế bìa khá ấn tượng, Nguyễn Trần Yến Nhi, học sinh lớp 8B2 vẫn chưa tin vào mắt mình. Tham gia dự án “Âm nhạc dân tộc” lần này, Nhi cùng năm bạn trong lớp quyết định chọn một đề tài khá hóc búa: “Kế hoạch bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống Hò đưa linh”. Vượt qua nỗi sợ ban đầu để hoàn thành tốt dự án, có cơ hội tìm hiểu sâu về một thể loại âm nhạc đặc biệt mà nhiều người đang dần lãng quên, Nhi và các bạn càng tự tin hơn khi nhận về phản hồi tích cực từ phía giáo viên hướng dẫn. “Càng tìm hiểu em càng thấy nhiều điều thú vị, đặc sắc và hoàn thành tiểu luận thì thấy rất tự hào. Dự án này giúp em tìm hiểu sâu và có cái nhìn mới về những nét độc đáo của âm nhạc dân tộc”, Nhi cho biết thêm.

Theo cô Nguyễn Anh Đào, giáo viên phụ trách bộ môn Việt Nam học, với dự án này, học sinh không chỉ được tạo điều kiện tốt nhất để trải nghiệm về kiến thức mà còn có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Nếu như học sinh khối 5 bước đầu làm quen với âm nhạc dân tộc thì học sinh khối 8 được giao tự hoàn thành nhiều công đoạn như làm tiểu luận, lên ý tưởng cho tiết mục biểu diễn, liên hệ với biên đạo, kết nối các thành viên, đề xuất xin kinh phí, tập luyện… để có được chương trình biểu diễn trọn vẹn. Kết thúc dự án, học sinh có được kiến thức tổng quan về một số loại hình âm nhạc dân tộc, biết cách biểu diễn minh họa một số tác phẩm/thể loại và quan trọng nhất là thấy có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động thiết thực, bổ ích.