Di sản trực tiếp tham gia vào giáo dục
Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa, trong đó sử dụng những thông tin, tư liệu của/về các di sản văn hóa. Trong những năm gần đây quan niệm về giáo dục di sản đã có nhiều đổi mới. Các điểm di sản, các thiết chế văn hóa đều có thể trở thành địa điểm học tập mà học sinh tất cả lứa tuổi có thể trực tiếp trải nghiệm, học tập. Các chương trình giáo dục di sản mới đã đưa các di sản trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục ở các bậc học phổ thông. Từ năm 1994, UNESCO đã thành lập Chương trình Giáo dục di sản thế giới cho thanh, thiếu niên (Chương trình WHE) nhằm thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong việc bảo tồn di sản thế giới.
Mục tiêu của chức năng giáo dục trên di tích, bảo tàng là sự phát triển và hoàn thiện con người. Bảo tàng, di tích thực hiện chức năng này thông qua các chương trình giáo dục. Phương pháp tiếp cận coi di tích, bảo tàng là “nơi học” giữ vai trò quan trọng trong các chủ đề giáo dục di sản. Phương pháp này coi trọng nguyên tắc cuả bảo tàng học hiện đại là “nhìn qua hiện vật” để tạo cho học sinh cơ hội được tiếp xúc sâu với các hiện vật, cùng tìm hiểu các yếu tố khác của di sản để mở rộng kiến thức và kích thích trí tưởng tượng. Từ góc nhìn và phương pháp coi di tích, bảo tàng là nơi để học tập tích cực với những hoạt động trực quan, gợi mở sẽ tác động đến nhận thức giúp các em hình thành ý thức trân trọng và từ đó có hành vi đúng để bảo vệ các di tích, di sản.
Với hướng tiếp cận mới, những người làm công tác giáo dục di sản có vai trò kiến tạo chương trình giáo dục nhằm truyền cảm hứng, giúp các em học sinh tích lũy tri thức, tập đưa ra các giả định và rút ra kết luận. Việc xây dựng các chương trình giáo dục di sản với phương pháp tiếp cận công chúng và nâng cao năng lực sáng tạo sẽ mở ra một hướng đi mới cho các bảo tàng, di tích.
Nhìn từ một di tích đặc biệt
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi những dấu ấn nổi bật của văn hóa Nho học Việt Nam. Qua thăng trầm lịch sử, di tích vẫn giữ được những công trình kiến trúc và nhiều hiện vật có giá trị như: gác Khuê văn, điện Đại thành, bia tiến sĩ… Đây là địa chỉ văn hóa du lịch tiêu biểu của Hà Nội và cũng là nơi thu hút các em học sinh, sinh viên tới tham quan, học tập.
Từ tháng 11/2018, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai các chương trình giáo dục di sản mới. Các cán bộ giáo dục của di tích đã xây dựng hơn 30 chủ đề sinh động về các giá trị đa dạng của khu di tích. Các em học sinh làm việc theo nhóm rồi chia sẻ những kết quả của mình với nhau và với những người hướng dẫn. Năm 2019, “Khu trải nghiệm cùng di sản” cho học sinh được đưa vào hoạt động với các thiết bị dạy học tương đối hiện đại. Tham gia chương trình giáo dục di sản này, học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức về các giá trị đa dạng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn phát huy được nhiều kỹ năng, được bồi đắp cảm xúc, tình cảm với di sản thông qua các hoạt động trải nghiệm.
Trong Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2022 cũng đã có nội dung triển khai các mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại các bảo tàng cấp tỉnh, từ tháng 1 đến tháng 5/2023. Hà Nội còn có nhiều di tích, bảo tàng đang nỗ lực đổi mới trưng bày, đổi mới cách tiếp cận với công chúng: Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đều đã xây dựng những chương trình mới, sinh động để mở rộng quảng bá, phát huy giá trị di sản. Những chương trình giáo dục di sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hướng đến tiếp cận những quan điểm và cách làm mới dựa trên những thế mạnh tài nguyên văn hóa đang được lưu giữ. Vai trò của di sản được nhận thức cao hơn và công việc giáo dục di sản được đổi mới sẽ đưa di sản đồng hành trong đời sống đương đại.
Theo PGS Nguyễn Văn Huy, người làm công tác bảo tồn, bảo tàng có kinh nghiệm hàng đầu ở Việt Nam hiện nay: “Bề dày của mỗi nền văn hóa được “nói” qua các di sản lịch sử văn hóa, trong đó những di sản vật chất có giá trị rất lớn. Các hiện vật trong bảo tàng, di tích là những bằng chứng sinh động kể những câu chuyện lịch sử - văn hóa cho các thế hệ trẻ. Mỗi hiện vật, mỗi tài liệu đều có những thông tin bị ẩn đi mà những người muốn phát huy giá trị di sản phải nghiên cứu để trả lời các câu hỏi: nó là của ai, được ai làm ra, khi nào, ở đâu, như thế nào và tại sao lại có nó… Giáo dục di sản chính là giúp cho thế hệ trẻ đi tìm và trả lời được những câu hỏi này trên mỗi hiện vật, mỗi di tích. Không phải theo cách học thuộc lòng mà là cách đặt các câu hỏi rồi trả lời được những câu hỏi đó chính là cách giáo dục di sản hiệu quả nhất.