Giăng mắc niềm thương

“Linh đinh tình phù sa” (NXB Thế giới và Phương Nam book, 2023) là tập 12 truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo là những câu chuyện của miệt đồng bưng chín nhánh sông mà đâu đó trong cuộc đời chúng ta vẫn thường bắt gặp.
0:00 / 0:00
0:00
Giăng mắc niềm thương

Từng câu chuyện trong “Linh đinh tình phù sa” không phải là những giề lục bình trôi. Vì lục bình hễ có một trận sóng nhỏ là rời rạc, chia lìa. Từng cụm người như những tảng trấp dầy dặn quấn quýt nhau bền chặt bị bứng khỏi đồng bưng và mang trên đó những hoa đồng cỏ dại, những ếch nhái, cào cào, rắn, ễnh ương, bông súng…

Quần thể quấn quýt nhau, thương giận nhau và mải miết trôi về phía biển. “Chiều xuôi mấy giề lục bình man man theo sóng cù lao. Nước rút đồng trơ mặn. Thượng nguồn ngăn đập nên đâu còn nước ngọt tưới tiêu. Cù lao lọt thỏm giữa dòng Hàm Luông, một bên là dừa, ba phần còn lại mênh mông là nước” (Ráng chiều cù lao). Ấn tượng trong văn Tống Phước Bảo chính là giọng điệu, ngôn ngữ đậm chất miệt vườn, sông nước, cảm giác như người đọc được trò chuyện, được nghe, được nói, được thấy nhịp sống, hơi thở, phong vị, tập tục vùng sông nước cù lao. Ở đó, những con người nghèo khó, lam lũ gắn với thuyền ghe, gắn với con lạch, cá tôm, bông điên điển vào mùa… làm ta thương đến nao lòng. Đọc tập truyện, dấy lên một tình cảm mến thương giăng mắc, như sương khói, như sông nước, khó lý giải, cắt nghĩa vì sao.

Đậm nhất là hình ảnh bà ngoại xuất hiện với tần suất khá nhiều trong các truyện như “Chiếu không”, “Con cá làm ra con mắm”, “Đò qua sông vắng”, “Mùa so đũa trổ bông”, “Ong bầu đậu đọt mù u”, “Mây về cố quận”… Hình ảnh bà ngoại hiền khô, chịu khó, thương con thương cháu vô cùng, người bà ấy sao mà gần gũi quá, thương quá: “ngoại cứ ưa đếm từng mùa so đũa để rồi thắt thẻo ruột gan vậy thôi… ngoại vén cái vạt áo bà ba nâu sờn lên lau vội. Khóc đâu mà khóc con, gió lùa bụi bay, xốn mắt, không dưng nó chảy vậy hà… mấy chữ thương quá chừng buông ra là ngoại lại vén cái áo bà ba chậm mắt…” (Mùa so đũa trổ bông). Hay như người mẹ, người em gái… trong các truyện gợi nỗi thương xót, chia sẻ, cảm thông. Họ là những mảnh đời khốn khó vì nghèo quá mà bỏ xứ đi biệt tích, bất hạnh trong tình yêu… mỗi số phận đều đáng thương, cần được nâng đỡ và che chở.

Có lẽ vì thế mà truyện nào trong tập sách này đều buồn, buồn da diết, đều đều như giọng hò trên sông của bà, của má trên sông khi chiều buông xuống. Buồn nhưng không bi lụy, Tống Phước Bảo biết nâng dậy, khơi gợi tình thương và tình yêu, sự chăm chút, quan tâm và chân thành của họ, để những mảnh đời ấy xích lại gần hơn, ấm hơn, xoa dịu nỗi buồn, nỗi đau âm ỉ.

Và còn nữa, sự đậm đặc phương ngữ Nam Bộ là bản sắc vùng miền mà Tống Phước Bảo thể hiện đầy dụng ý, anh muốn đem tất cả những gì chân thực nhất, đời nhất vào trang viết, nó trở nên hồn hậu, dân dã, thương yêu đến vô cùng.