Làm mới cái cũ
Ngoài violaxanthin có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, trong lá bàng còn chứa nhiều dược chất cần thiết cho việc giữ sạch nguồn nước, giúp hạn chế mầm bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cá, tôm. Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu, ứng dụng điều trị nấm, ký sinh trùng và kháng khuẩn bằng loại thực vật dễ tìm này. Không chỉ diệt vi khuẩn làm hại nguồn nước nuôi thủy sản, lá bàng còn chứa lượng kháng sinh tự nhiên đủ giúp cá, tôm nâng cao đề kháng. Từ đó, người nông dân nhìn vào tôm, cá sẽ biết nên sử dụng thuốc hỗ trợ hay không, hạn chế việc lạm dụng kháng sinh. Đây được xem là giải pháp “xanh” giúp thay thế việc dùng kháng sinh đại trà mà nhiều hộ nuôi thủy sản áp dụng với chi phí không hề nhỏ suốt nhiều năm qua.
“Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng” là Dự án do nhóm Medilea (gồm 5 sinh viên đến từ Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Nông Lâm và Trường đại học Tài nguyên - Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) lên ý tưởng triển khai cách đây gần hai năm. Sau thời gian dài tìm tòi, thử nghiệm với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp (Trường đại học Nguyễn Tất Thành), các thành viên nhóm Medilea đã đủ tự tin đưa sản phẩm ra thị trường.
Hiện nhóm đã giới thiệu ra thị trường hai dòng sản phẩm là Medilea dành cho nuôi trồng thủy sản và Medilea Pro dành cho cá cảnh. Sử dụng lá bàng để bảo vệ nguồn nước không phải là điều lạ lẫm, thế nhưng, cái mới tạo nên sự khác biệt cho dịch chiết lá bàng của Aquabetle Plus chính là những cải tiến về khoa học - công nghệ giữ lại được ở mức cao nhất hoạt chất quan trọng cùng với việc bổ sung nhiều dược chất giúp thủy sản phát triển tốt hơn. “Quy trình sản xuất và công nghệ mới đã giữ cho hàm lượng dược tính của lá bàng luôn ở mức cao. Dịch chiết lá bàng theo cách này được chứng minh hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống. Công nghệ cô đặc dịch chiết góp phần giảm liều lượng nhưng vẫn bảo đảm phạm vi tác động, hạn chế làm ảnh hưởng đến mầu nước tự nhiên ao nuôi, bể cá. Ngoài ra, nhóm còn bổ sung thêm một số vi sinh có lợi giúp thủy sản tiêu hóa tốt hơn”, Nguyễn Bảo Danh, thành viên trong nhóm cho hay.
Khởi nghiệp bằng... lá
Xuất phát từ một đề tài nhỏ, không được đánh giá cao vì thiếu tính đột phá. Tuy nhiên, chính sự bền bỉ, chịu khó học hỏi, thay đổi và tinh thần sáng tạo đã giúp nhóm Medilea tạo dấu ấn tốt, giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp với dự án xuất phát từ nhu cầu thiết yếu này. Mới đây, dự án chế phẩm sinh học từ lá bàng thay thế kháng sinh trong nuôi thủy sản của nhóm đã xuất sắc đoạt được giải thưởng cao nhất tại cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023.
Điều đáng quý là không chỉ nằm trên ý tưởng, sản phẩm dịch chiết lá bàng của nhóm đã được thực nghiệm tại nhiều nơi, thu được kết quả khả quan. Sản phẩm bán ra thị trường cũng được đánh giá cao về tính minh bạch, tiện dụng, hiệu quả và tiết kiệm. Một số doanh nghiệp về hóa chất vật tư nông nghiệp đã chủ động liên hệ và gửi lời mời hợp tác. Hiện nhóm đang tiếp tục chuẩn hóa quy trình sản xuất và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm.
Trước khi chính thức khởi nghiệp, nhóm đã tham gia nhiều quá trình kiểm nghiệm, thực nghiệm. Ngày sản phẩm thành hình sau suốt nhiều tháng liền mày mò nghiên cứu, thành viên nào cũng phấn khởi. Các thành viên cho biết, sẽ tiếp tục quá trình thử nghiệm, đánh giá để hoàn thiện sản phẩm phân bón hữu cơ với giá thành hợp lý này, tăng thêm kênh lựa chọn thân thiện cho nông dân. “Tụi em là sinh viên môi trường nên không muốn các ý tưởng chỉ dừng lại ở những sân chơi, cuộc thi mà phải có sản phẩm thực tế, tạo tác động tích cực. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để tận dụng tốt nhất công dụng của lá bàng”, nhóm trưởng Đoàn Thị Thu Hằng vui vẻ cho hay.