Giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Theo thống kê trong năm 2018, toàn quốc phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo lực học đường (BLHĐ), trong đó hơn 53% số vụ xảy ra tại trường học. Trước thực trạng các hành vi BLHĐ xuất hiện ngày càng nhiều và manh động, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách xử lý vấn đề, cần tư vấn, tuyên truyền để BLHĐ thôi nhức nhối, ám ảnh.

Rất cần những tọa đàm cụ thể trang bị cho học sinh thêm kiến thức để tránh xa bạo lực học đường.
Rất cần những tọa đàm cụ thể trang bị cho học sinh thêm kiến thức để tránh xa bạo lực học đường.

Bối rối tìm cách xử lý

Từng là nạn nhân của bạn bè trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực, đến nay, Nguyễn Hoài An (sinh sống tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vẫn hoảng sợ mỗi khi nghe ai đó nhắc đến cụm từ BLHĐ. An cho biết, khi đó em liên tục bị bạn bè miệt thị, đánh đập vì dám lên tiếng về hành vi sai trái của nhóm bạn trước cuộc họp lớp. “Em chọn cách im lặng để mọi chuyện trôi qua nhưng mọi thứ ngày càng tồi tệ. Đến lúc quá mệt mỏi em mới dám tâm sự với giáo viên và được các thầy, cô giáo can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Nghĩ đến chuyện cũ em còn rùng mình”, Hoài An tâm tư.

Tại tọa đàm “BLHĐ, dâm ô trẻ em - Chống được không?” do báo Tiền Phong vừa tổ chức, nhiều học sinh (HS) cho biết mình từng bị đánh hội đồng, bị tẩy chay khi chẳng may có suy nghĩ khác một nhóm bạn nào đó trong trường. Thiếu kỹ năng phòng vệ và xử lý vấn đề, phần lớn các em chọn cách “chịu trận” với mong muốn mọi chuyện sớm đi vào quên lãng. “Im lặng có nghĩa là chúng ta đang thông đồng với cái ác. Ngày xưa, thông tin về các vụ việc thường chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhưng giờ đây chỉ cần vài phút, các hình ảnh, clip đã đầy rẫy trên mạng xã hội khiến nạn nhân càng thêm mệt mỏi, bấn loạn. Vậy nên chúng ta cần nhanh chóng giúp các em không may bị BLHĐ thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Xã hội cần có một hệ sinh thái với đồng bộ các giải pháp căn cơ để xử lý rốt ráo các vụ việc, tuyên truyền giáo dục hiệu quả hơn để nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong vấn đề này”, Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH An ninh Nhân dân (Bộ Công an) cho hay.

Tuy nhiên, theo nhiều HS, chưa chắc khi báo cáo vụ việc các em đã được giúp đỡ kịp thời. Lúc đó, có khi các em còn hụt hẫng, tổn thương nguy hiểm hơn. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề mấu chốt là nhà trường, gia đình cần thật sự quan tâm, nhất là những em có tính cách đặc biệt để sớm có hướng ngăn chặn mầm mống bạo lực. “Gia đình giáo dục là một chuyện, theo tôi các trường cần làm mới cách tuyên truyền, rèn kỹ năng phòng, chống BLHĐ để khi gặp sự cố HS áp dụng được ngay. Dạy kỹ năng phải gắn liền thực tiễn và phải có câu chuyện, kinh nghiệm thực tế thì mới thuyết phục chứ không thể cứ nói suông”.

Làm gì để hạn chế?

Triệt tiêu BLHĐ trong xã hội là điều không thể nhưng theo các chuyên gia, gia đình và nhà trường đủ khả năng hạn chế mầm mống rủi ro và những tổn thương từ thực trạng này. Theo Ths tâm lý Lê Thị Hằng, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. “Nếu như trước kia việc áp dụng các biện pháp giáo dục quá nghiêm khắc kiểu đòn roi có thể mang lại hiệu quả thì trong giai đoạn hiện nay, theo tôi, phụ huynh cần mềm dẻo trong cách dạy con. Thay vì dùng bạo lực để rèn con trẻ, hãy kết hợp hài hòa giữa nghiêm khắc và khéo léo để làm bạn cùng con, lắng nghe con. Khi biết mình được quan tâm, lắng nghe, các em sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải để nhờ cha mẹ can thiệp hay cho lời khuyên”.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, giảng viên Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng việc giáo dục kiến thức, kỹ năng cho HS về các vấn đề nhạy cảm như xâm hại tình dục, BLHĐ cần được thực hiện bài bản, lặp đi lặp lại thường xuyên. “Trước khi dạy kỹ năng, chúng ta phải dạy về giá trị sống cho các em. Vì nếu không hiểu đúng sai, cái gì được và không được làm, bao nhiêu kỹ năng cũng trở nên vô ích. Và kỹ năng nào cũng cần ở mức thành thục để khi gặp chuyện các em phản xạ được ngay. Đừng dạy vài lần cho có rồi để đó vì nếu như vậy khi gặp sự cố các em sẽ không đủ năng lực phán đoán tình hình và xử lý tình huống theo cách hiệu quả nhất”, chuyên gia Phan Thị Hoài Yến phân tích.