Nâng tầm nông sản địa phương

NDO - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Phú Thọ đã và đang được triển khai một cách bài bản, hiệu quả. Các sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở mỗi địa phương trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm chè Đinh cao cấp được Công ty TNHH chè Hoài Trung lựa chọn từ những búp chè tươi một tôm hai lá.
Sản phẩm chè Đinh cao cấp được Công ty TNHH chè Hoài Trung lựa chọn từ những búp chè tươi một tôm hai lá.

Là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Phú Thọ và là một trong hai sản phẩm chè của cả nước đạt tiêu chuẩn này, trong những năm qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) chè Hoài Trung đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu để đưa sản phẩm Chè Đinh cao cấp Hoài Trung đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Pha ấm Chè Đinh mời khách, chị Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung say sưa nói về chè. Chị cho biết, người sành về chè, không gọi uống trà, mà thưởng trà qua thị giác, khứu giác và vị giác. Chè Đinh khi được pha sẽ có màu vàng sánh tựa màu cốm non, mang mùi hương dễ chịu thanh thanh của đất trời, chè không chỉ ngon bởi mùi hương mà thích nhất vẫn là cái vị chát dịu, ngầy ngậy khi uống, kèm theo cái vị ngọt thanh ở cổ họng thật lạ lùng.

Vừa rót chén chè mời khách, chị Mão kể hành trình “thăng hạng” cho sản phẩm Chè Đinh đến hôm nay là 21 năm, với nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc thăng, lúc trầm. Năm 2002, khi mới thành lập, Công ty chỉ sản xuất, chế biến được một vài sản phẩm đơn giản, thị trường chưa mở rộng.

Sau quá trình cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng của sản phẩm được nâng lên, mẫu mã đa dạng phong phú, quy mô sản xuất mở rộng, được thị trường chấp nhận.

Nâng tầm nông sản địa phương ảnh 1

Chị Bùi Thị Mão giới thiệu sản phẩm chè Đinh cao cấp với anh Assad người Afghanistan nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, từ khi có được nhà máy khang trang, dây chuyền hiện đại đồng bộ từ khâu thu hái đến khâu đóng gói thành phẩm phải trải qua quy trình bảy bước đúng chủng loại, thời gian, nhiệt độ để có thể cho ra được mẻ chè ngon đúng chất.

Năm 2021, sản phẩm Chè Đinh cao cấp Hoài Trung được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Và mới đây, sản phẩm này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Chị Mão cho biết thêm, để quản lý sản xuất theo chuỗi cung ứng sản phẩm theo hướng hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, dễ trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Công ty đã hợp tác liên kết với một số hộ dân trong vùng từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật thu hái sản phẩm đến quy trình sản xuất chế biến đều có cán bộ kỹ thuật giám sát theo một quy trình khép kín.

Đến nay, công ty đã đưa ra thị trường một số sản phẩm chè xanh cao cấp: chè túi lọc lưới cao cấp, chè nhài cao cấp, chè xanh đặc biệt… Chè đinh cao cấp được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao của Nhật Bản và được đóng trong túi lọc lưới cao cấp, bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được tỉnh Phú Thọ triển khai từ năm 2019 và bắt đầu đánh giá, phân loại các sản phẩm OCOP vào năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, đến nay, tỉnh đã có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 47 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Dự kiến hết năm 2023, tỉnh Phú Thọ có thêm hơn 100 sản phẩm hạng 3 sao trở lên. Năm 2022, giá trị sản lượng hàng hóa từ các sản phẩm OCOP đạt hơn 355 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Nâng tầm nông sản địa phương ảnh 2

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Trần Tú Anh trao đổi về quá trình xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để bảo đảm cung ứng các sản phẩm OCOP của địa phương, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ, hỗ trợ các tổ chức kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thêm các điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động các tour, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh, để nông sản chất lượng của tỉnh ngày càng vươn xa ra thị trường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ Trần Tú Anh cho biết, các sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Thọ.

Nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương; làm chuyển biến tích cực nhận thức của các chủ thể về sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; tăng cường liên kết lẫn nhau giữa các khâu, công đoạn từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến nền kinh tế thị trường, đem lại uy tín về sản phẩm và thương hiệu, từng bước cải thiện mức sống cho người dân tại vùng nông thôn.

Từ đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.