Ghi nhận sáng kiến vì môi trường

Ghi nhận sáng kiến giúp việc thu xử lý rác thải công cộng được đơn giản hơn, “Thiết bị thu gom rác thải trôi nổi” do nhóm sinh viên CLEAN UED thuộc Khoa Sinh - Môi trường (Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng) sáng tạo đã được trao Giải nhất tại cuộc thi “Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa”. Từ những ý tưởng ban đầu, nhóm đã dần tạo nên một sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên của nhóm lắp đặt thiết bị tại âu thuyền cảng cá Thọ Quang.
Các thành viên của nhóm lắp đặt thiết bị tại âu thuyền cảng cá Thọ Quang.

1/ Nhận thấy trên thị trường có nhiều loại máy hút rác trên mặt nước như sà-lan, robot, tuy nhiên chi phí cho những thiết bị như vậy khá đắt và không thể áp dụng được phổ biến trong nhiều không gian khác nhau, nhóm bạn trẻ gồm Phạm Thị Phương, Đỗ Đăng Hiếu, Trịnh Văn Duy, Nguyễn Hồ Quốc Bảo, Phan Văn Đà của nhóm CLEAN UED đã lên ý tưởng, bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu nhằm cho ra một sản phẩm phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu cần thiết.

Từ giữa năm 2021, “Thiết bị thu gom rác nổi tự động” đã được CLEAN UED tạo ra với mong muốn sẽ thu gom các loại rác thải nhựa có kích thước nhỏ đến vừa như chai nhựa, bao nylon, vỏ lon một cách tự động.

Sản phẩm được thiết kế với hai phần chính gồm hệ thống điều khiển và hệ thống thu rác còn thiết bị hoạt động chủ yếu dựa trên nguyên lý hút nước bề mặt. Nước trên bề mặt sẽ được hút kéo theo rác nổi đi vào hố thu nhờ hệ thống bơm chìm phía dưới. Rác đi qua vật liệu nổi và vào hố thu, sau đó sẽ được giữ lại ở giỏ thu rác. Phía trong hố thu được bố trí vật liệu giúp rác không thoát ngược ra ngoài khi giỏ đầy hoặc bơm không hoạt động. Nước sau khi đã lọc sạch rác sẽ được bơm ra ngoài. Thiết bị được vận hành dựa trên nguồn điện 220V, có thể hoạt động liên tục trong nhiều khung giờ nhờ vào bộ phận hẹn giờ được cài đặt sẵn theo nhu cầu. Người thu gom chỉ cần móc và nhấc giỏ rác lên để mang rác đến nơi xử lý. Với đường kính khoảng 32cm và chiều dài là 50cm, sản phẩm có thể thu từ 3 đến 4kg rác trong một lần.

Ban đầu, nhóm thử nghiệm thu gom rác trong các ao hồ, rồi đến thử nghiệm tại Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ở giai đoạn nghiên cứu, nhóm có nhiều định hướng cho sản phẩm với mong muốn không chỉ dừng lại ở việc thu gom rác nổi mà còn là thu gom và xử lý váng dầu. Tuy nhiên, trước mắt nhóm tập trung hoàn thiện phần kỹ thuật cho việc thu gom rác.

2/ Biết được thông tin về cuộc thi “Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) phối hợp cùng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) phát động, nhận thấy sản phẩm đáp ứng đủ các điều kiện cũng như phù hợp với mong muốn phát triển nên nhóm đã quyết định tham gia. Tháng 4 vừa qua, vượt qua 29 đề xuất từ 38 trường, học viện trên khắp cả nước, nhóm CLEAN UED là một trong hai đội đã giành Giải nhất.

Bạn Phạm Thị Phương, Trưởng nhóm CLEAN UED chia sẻ: “Lúc tham gia cuộc thi, toàn bộ các thành viên đều không đặt nặng mục tiêu giành giải thưởng mà chỉ mong muốn được cọ sát với nhiều người đam mê sáng tạo vì môi trường trên toàn quốc. Qua đó, các bạn sẽ có thêm kiến thức và kinh nghiệm để áp dụng cho sản phẩm. Giải thưởng chính là cơ hội và là cơ sở để nhóm đưa sản phẩm ra rộng hơn, sát với thực tế hơn”.

Bên cạnh có nguồn hỗ trợ tài chính để thực hiện thí điểm ý tưởng tại Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà - nơi đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa; nhóm còn được các cố vấn, chuyên gia hỗ trợ, góp ý và đưa ra các giải pháp cho sản phẩm được tốt hơn.

Thầy Trần Ngọc Sơn, giảng viên thuộc Khoa Sinh - Môi trường đã hỗ trợ nhóm CLEAN UED thực hiện sản phẩm. Thầy Sơn cho biết, đây là sản phẩm có tính khả thi khi có thể ứng dụng được tại các khu vực hồ nước, ao nuôi trồng, cảng cá. “Đồng hành cùng các em, tôi mong rằng đây không chỉ là một trải nghiệm mà sản phẩm có thể được sử dụng góp phần bảo vệ môi trường”.

Trong thời gian tới, nhóm CLEAN UED cho biết, sẽ tiếp tục khắc phục một số điểm hạn chế và cùng với đó là nghiên cứu, cải tiến để phù hợp với nhiều dạng thủy vực khác nhau. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang hướng đến sử dụng pin năng lượng mặt trời để vận hành thiết bị. Với việc vận hành thí điểm tốt, nhóm mong rằng sản phẩm sẽ sớm được ứng dụng thực tế và được nhiều tổ chức, công ty tiếp cận hơn.