EU cảnh báo thẻ vàng IUU với Việt Nam

Ủy ban Hải sản Vasep (VMPC) thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa cho biết, ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu, cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã có thông cáo báo chí đăng trên website: europa.eu về việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Đây là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá ở Việt Nam.

EU cảnh báo thẻ vàng IUU với Việt Nam

Theo VMPC, uy tín và thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam bị ảnh hưởng, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU bị sụt giảm. Bởi trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu (XK) sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việt Nam có sáu tháng để khắc phục thiếu sót. Nếu không có cải thiện, theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, nghĩa là sẽ bị cấm XK các mặt hàng hải sản sang EU.

Sẽ bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư, kinh doanh ngành nông nghiệp

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng, về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất, trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, sẽ bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi, bổ sung bốn nghị định, sẽ hoàn thành vào quý II-2018. Hai pháp lệnh, ba nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.

Đến ngày 30-9, VAMC đã mua 301.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ ngày 1-1 đến hết ngày 30-9-2017, VAMC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ gốc nội bảng là 25.536 tỷ đồng, giá mua nợ là 24.999 tỷ đồng. Như vậy, VAMC đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 mà Ngân hàng Nhà nước giao. Lũy kế từ năm 2013 đến hết ngày 30-9-2017, VAMC đã mua được 26.171 khoản nợ của 16.230 khách hàng tại 42 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 301.091 tỷ đồng, giá mua nợ là 270.923 tỷ đồng.

Cũng theo VAMC, tính đến hết ngày 30-9-2017, VAMC đã hoàn thành mua theo giá thị trường với hai khoản nợ của VietCapitalBank và VietinBank với giá mua nợ là 185,8 tỷ đồng, còn tổng dư nợ gốc là 200,04 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC và Sacombank đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc mua nợ theo giá trị thị trường đối với ba khoản nợ với tổng dư nợ gốc hơn 2.500 tỷ đồng.

Maritime Bank liên tiếp nhận bốn giải thưởng quốc tế uy tín

Tại Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế được tổ chức ở Washington DC (Mỹ), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) vinh dự được Tạp chí Tài chính hàng đầu thế giới Global Finance trao tặng giải thưởng Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2017 (Best Bank). Đây là giải thưởng uy tín thường niên của Global Finance nhằm vinh danh tổ chức tài chính xuất sắc duy nhất tại mỗi một quốc gia ở các thị trường mới nổi trong việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Ngoài ra, trong tháng 10-2017, Maritime Bank đã liên tục nhận ba giải thưởng uy tín khác cho các lĩnh vực hoạt động nổi bật của ngân hàng trong hơn một năm qua. Đó là giải thưởng Ngân hàng có sáng kiến và đóng góp nổi bật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 do Tổ chức Capital Finance International trao tặng; giải thưởng Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2017 do tạp chí uy tín của International Finance Review (Anh) trao tặng và giải thưởng sản phẩm Thẻ đồng thương hiệu tốt nhất Việt Nam do Mastercard trao tặng.