Đừng hào phóng đến hồn nhiên quá!

Đi lên huyện vùng cao cực bắc của Tổ quốc, nghe một đồng chí lãnh đạo huyện tâm sự đôi điều đáng suy nghĩ.
0:00 / 0:00
0:00

Rằng bên cạnh những khởi sắc của hoạt động du lịch sau dịch Covid thời gian qua, vẫn còn những vấn đề cần điều chỉnh. Về phía địa phương, những khó khăn về đường sá, những hạn chế trong kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch của đồng bào… vẫn còn và đang từng bước được khắc phục bằng việc sửa sang, mở rộng, bằng công tác tập huấn, hướng dẫn. Có điều này, đồng chí lãnh đạo huyện mong muốn báo chí, truyền thông lên tiếng giúp, để góp ý với du khách.

Đó là gì vậy? Chính là hiện tượng không còn mới nữa, du khách, khách qua đường vẫn có thói quen cho tiền trẻ em ở vùng cao, trên những cung đường rong ruổi, ở điểm dừng chân nào đó. Việc này thể hiện tấm lòng của khách, thấy các cháu lam lũ, phong phanh, đứng chơi ven đường thì thương, hoặc cảm thấy nhiều cháu ngộ nghĩnh, dễ mến, nên dúi cho ít tiền lẻ. Có những người hào phóng, cho các cháu hàng trăm nghìn đồng.

Lòng thương mến, chia sẻ giữa con người là rất đáng trân trọng. Nhưng ở trường hợp này, như đồng chí cán bộ bộc bạch, thì cũng nguy cơ phát sinh ra những điều không nên. Ấy là trẻ con thì ngây thơ, ai cho cái gì thì quý, mà được nhận mấy lần thì thành ham, thành thói quen. Cho nên có khi cứ ra đứng chơi ở ven đường, hoặc bình thường khi có người lớn đến thì lại loanh quanh mong được nhận quà. Khi trẻ đứng vui chơi, chạy nhảy ở ngoài ven đường, quá nguy hiểm khi xe cộ thường đi qua, đi lại rất nhanh. Và nếu để lâu dài rất dễ tạo nên một cái tâm lý trông chờ, chờ đợi được nhận gì đó từ ai đó cho, tặng, ban phát… Thật không lấy làm tốt cho lắm, đối với những chủ nhân tương lai trên những vùng đất này.

Hiện tượng cho tiền trẻ ven đường trên những tuyến đường lên vùng cao không mới, không còn lạ. Và cũng có những ý kiến đa chiều. Nhưng đến nay vẫn có, gợi nên những điều cần suy ngẫm, điều chỉnh của người lớn. Là phụ huynh, trong việc nhắc nhở, bảo ban con cái. Là những du khách, người qua đường, như góp ý của đồng chí cán bộ, là nên dừng lại, đừng mủi lòng hay ái ngại mà “phát tiền” cho trẻ. Là chính những cán bộ địa phương, trong việc tuyên truyền đến các gia đình quan tâm hơn tới nền nếp sinh hoạt của con em. Nhưng trước hết, là với các du khách, những người hào hứng thăm thú những vùng đất, gặp gỡ những con người, nhưng có khi còn hồn nhiên thể hiện lòng nhân ái của mình, hào phóng mà có thể kéo theo những hệ lụy.

Du lịch đang phục hồi và được thúc đẩy. Cùng với chất lượng dịch vụ, nội dung sản phẩm, còn đòi hỏi những thay đổi để phù hợp xu thế phát triển của xã hội cũng như việc duy trì những nét ứng xử văn hóa, văn minh khi người ta đến với mỗi vùng đất.