Dự án xây dựng “siêu đô thị” của Saudi Arabia

Giới chức Saudi Arabia đã công bố thiết kế của công trình kiến trúc độc đáo được gọi là The Line, thuộc dự án “siêu đô thị” đang khiến các kiến ​​trúc sư thế giới kinh ngạc. Dự án này được giới thiệu như một thiết kế cho tương lai, trong đó phát triển các công nghệ tiến bộ giúp con người sinh sống và làm việc mà không gây ảnh hưởng môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh công trình kiến trúc The Line. Ảnh: REPSTATIC
Phối cảnh công trình kiến trúc The Line. Ảnh: REPSTATIC

Siêu công trình kiến trúc

Cuối tháng 7 vừa qua, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bin Abdulaziz đã công bố bản thiết kế của một thành phố tuyến tính mang tên The Line. Theo Al Jazeera, công trình bao gồm hai cấu phần giống như bức “tường thành” chọc trời cao tới 500m dựng song song có chiều dài lên tới 170km và chiều rộng 200m, tạo thành khu đô thị nối từ bờ Biển Đỏ qua sa mạc về vùng núi phía tây bắc Saudi Arabia. Siêu công trình kiến trúc này sẽ có mặt tiền hoàn toàn bằng kính và nhờ vậy tạo hiệu ứng gương độc đáo và mới lạ.

Thái tử Mohammed bin Salman lưu ý rằng, thiết kế này sẽ hoàn toàn khác biệt các thành phố truyền thống, nhằm “tạo ra một mô hình bảo tồn thiên nhiên và nâng cao khả năng sống của con người”. “The Line sẽ giải quyết những thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong cuộc sống đô thị ngày nay và sẽ mở đường cho những ý tưởng mới”, ông Mohammed bin Salman nói. Toàn bộ quần thể kiến trúc này được thiết kế để sử dụng gần như 100% năng lượng tái tạo. Dự kiến, thành phố này có thể là nơi sinh sống cho khoảng chín triệu dân. Thái tử Mohammed bin Salman cho biết, có các nhà đầu tư từ 10 nước tham gia dự án xây dựng thành phố xanh nói trên, đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư góp phần biến thiết kế trở thành hiện thực trong tương lai.

Theo thiết kế, thành phố trong tương lai sẽ không có đường sá, ô-tô và do vậy không tạo ra khí thải, mọi tiện ích được bố trí nằm chung quanh các khu dân cư. Mỗi quảng trường nhỏ, hay “khối dân cư” (block) có khả năng tự cung, tự cấp thực phẩm và có các tiện ích như cửa hàng, trường học để phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân chỉ trong vòng năm phút đi bộ hoặc đạp xe. Khi hoàn thành, sẽ có chuyến tàu siêu tốc để di chuyển dọc theo The Line với “hành trình dài nhất không bao giờ quá 20 phút”, các nhà phát triển tuyên bố.

Bên cạnh các khu dân cư, The Line sẽ bao gồm những khu mua sắm và giải trí, trường học và công viên. Thông cáo báo chí sau lễ ra mắt The Line đã giới thiệu nhiều tính năng khác nhau của siêu đô thị này, như thiết kế của các ngôi nhà và cửa hàng chủ yếu theo chiều của hai bức tường lát kính, hệ thống giao thông kết nối hai đầu thành phố và hình ảnh hiển thị các công viên được đặt giữa hai khối tuyến tính, hai bên bức tường sẽ được kết nối bằng nhiều cây cầu và có nhiều không gian xanh hơn. Đơn vị thiết kế chính của dự án do văn phòng tư vấn thiết kế Morphosis của Mỹ đảm nhận.

Theo ông Ali Shihabi, thành viên ban cố vấn của dự án, The Line sẽ chạy trên một đường thẳng xuyên qua sa mạc và do vậy cần được xây dựng theo từng giai đoạn, lần lượt từng khối công trình. Ông giải thích rằng: “Nhiều người cho rằng đây là một dự án táo bạo sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí, nhưng nó khả thi vì chúng tôi sẽ xây dựng theo từng modul”.

Dự án xây dựng “siêu đô thị” của Saudi Arabia ảnh 1

Bản vẽ phác thảo siêu đô thị Neom. Ảnh: TIMES OF ISRAEL

“Đại đô thị” Neom

Siêu công trình kiến trúc The Line chỉ là một phần trong Dự án đại đô thị Neom ước tính trị giá 500 tỷ USD mà Saudi Arabia công bố hồi năm ngoái. Dự án Neom có tổng diện tích hơn 26.500km2, là giải pháp đô thị mới mà theo giới chức Riyadh công bố nhằm thực hiện các cam kết phát triển xanh và bền vững, không gây hại tới môi trường của nước này, hướng đến mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Năm ngoái, Chính phủ Saudi Arabia công bố Dự án Neom sẽ khai thác “năng lượng vô tận” nhờ hệ thống pin mặt trời trải dài trên sa mạc, cùng với khu nhà kính để cung cấp thực phẩm, khôi phục rạn san hô biển để tạo cảnh quan và sinh thái… Hơn nữa, Neom còn là nơi sẽ xây dựng thành phố nổi trên mặt nước Oxagon và sẽ là cấu trúc nổi lớn nhất trên thế giới một khi nó hoàn thành. Giám đốc điều hành của Dự án Neom, ông Nadhmi al-Nasr cho biết, thành phố đã chào đón những nhà đầu tư và các đơn vị sản xuất, xây dựng đến khảo sát và thực hiện từ đầu năm 2022. Công trình nổi Oxagon cũng như siêu công trình The Line kể trên chỉ là một trong những cấu phần được quy hoạch trong đại đô thị Neom. Cái tên Neom có nghĩa là “Tương lai mới” theo giải nghĩa của các nhà phát triển.

Do đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng nên các nhà quan sát tỏ ra hoài nghi tính khả thi của các công trình và dự án mà Saudi Arabia đề ra ở Neom. Thêm vào đó, việc xây dựng một thành phố tiên tiến đáng sống theo tiêu chuẩn xanh ở giữa sa mạc cũng đặt ra nhiều vấn đề. TS Manal Shehabi, chuyên gia năng lượng tại Trường đại học Oxford (Anh) cho rằng, có rất nhiều điều cần phải xem xét khi đánh giá mức độ bền vững của dự án Neom. Ông cũng đặt câu hỏi các nhà phát triển thực ra chưa làm rõ việc lương thực, thực phẩm sẽ được sản xuất tại địa phương trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và phải tiết kiệm tài nguyên như ở giữa sa mạc, hay sẽ dựa vào nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài? Saudi Arabia là một quốc gia nằm ở vùng sa mạc khô cằn và hiện nhập khẩu khoảng 80% lương thực, khoảng một nửa lượng nước tại đây đang được sản xuất thông qua các nhà máy khử muối vốn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Đây là một quy trình tốn kém và sản phẩm phụ là hỗn hợp nước muối và hóa chất độc hại, được thải trở lại biển, gây ra những hậu quả bất lợi cho các hệ sinh thái biển. Do đó càng dấy lên nghi vấn về việc các đại dự án của Saudi Arabia có thể được thực hiện bền vững hay không.

Các chuyên gia khí hậu cũng lo ngại rằng, việc dựa vào các công nghệ chưa được chứng minh có thể là một dạng “trì hoãn khí hậu”, chứ không phải hành động thiết thực để chống biến đổi khí hậu. Kiến ​​trúc sư và nhà sử học người Israel Eliyahu Keller thuộc Trường Kiến trúc SCE Negev cho rằng: “Nỗ lực đối phó những thách thức của cuộc khủng hoảng khí hậu phải được tập trung vào việc cải thiện các thành phố hiện có của chúng ta, chứ không phải vào việc xây dựng và tạo ra những thành phố mới gây tốn kém tài nguyên và tăng mức độ phát thải khí nhà kính”.

Dù vậy, những người ủng hộ xây dựng Neom cho rằng, chính vì điều kiện tự nhiên như vậy và vì Trung Đông đang cạn kiệt nước nên Saudi Arabia cần phải đổi mới sáng tạo và bắt đầu xây dựng một thành phố thông minh, phát triển bền vững, được cung cấp năng lượng từ gió, mặt trời, với nguồn nước từ các nhà máy khử muối không phát thải carbon và quan trọng hơn hết là mở ra những cơ hội phát triển kinh tế khác để giúp “cai dầu mỏ” cho đất nước giàu có nhờ nguồn “vàng đen” dồi dào này.