Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đến nay dự toán ngân sách để tiêm vaccine đã có khoảng 14.000 tỷ đồng, Quỹ Vắc-xin nhận được 8.000 tỷ đồng, như vậy đã gần đủ để tiêm vaccine cho 75 triệu dân, mỗi người hai mũi. Và một chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam đã được triển khai với hệ thống kho bảo quản, phương tiện vận chuyển đáp ứng được mọi yêu cầu, cùng đội ngũ nhân lực bảo đảm khoảng 15.000 điểm tiêm chủng có thể vận hành, đặc biệt cần nhắc đến là các cơ quan chức năng công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm,… hướng đến miễn dịch cộng đồng.
Trước tình trạng nguồn cung vaccine khan hiếm, việc mua - bán diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới và đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ, bán vaccine không đạt tiêu chuẩn, vaccine giả mạo,… việc báo chí đưa tin khách quan, chính xác, đầy đủ về tiêm chủng là hết sức cần thiết, giúp toàn dân nhận thức nghiêm túc, đặt niềm tin vào công tác tiêm chủng, xác định rõ tinh thần tự giác trong khi cùng cơ quan chức năng bảo vệ tính mạng của bản thân mình, bảo vệ tính mạng của người khác. Đáng tiếc, thay vì ủng hộ một chủ trương đúng đắn, thiết thực vì sức khỏe và sự an toàn, phát triển cho cộng đồng, một số địa chỉ mạng xã hội lại lan truyền những thông tin thiếu chính xác hoặc không đầy đủ gây hiểu lầm, đẩy tới tình trạng tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, ý kiến tiêu cực, thậm chí một số người dựa vào đó để vu khống Chính phủ. Đó là hiện tượng cần khắc phục, xử lý nghiêm bởi trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay để sớm thực hiện thành công chiến lược vaccine, mọi người dân, tổ chức cần vào cuộc với ý thức trách nhiệm cao, không vì mục đích riêng hoặc ý đồ cá nhân mà làm ảnh hưởng một vấn đề hệ trọng của đất nước.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 15/6/2021) thì sáu tháng đầu năm 2021 ở Việt Nam, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự báo tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%. Đó là kết quả từ nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng toàn dân trong khi thực hiện mục tiêu kép: vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngày 25/6/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chỉ đạo các ban, ngành liên quan căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị để nghiên cứu và sớm ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Chủ trương đó cho thấy, dù đất nước còn nghèo, song không ai bị bỏ lại phía sau. Và khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ cố gắng chăm lo sức khỏe, cuộc sống của toàn dân thì toàn dân càng cần phải đoàn kết, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.