Ngược thượng nguồn

Đò khách Năm Châu

Nghe một người bạn sống trên Sài Gòn kể rằng, tui sống giữa những dòng sông nhưng không có dòng sông nào tui yêu và nhớ như dòng Năm Châu. Dòng sông đó nhỏ thôi, bên lúa, bên đồng cho những con thuyền khua chèo, bẻ lái.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch hứng thú trên sông Năm Châu.
Khách du lịch hứng thú trên sông Năm Châu.

Chảy trong lòng huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), đôi bờ sông Năm Châu không có gì đặc biệt và gần như giống nhau nhưng du khách muốn được dạo chơi trên sông, theo đó những con đò xuất hiện.

Dễ thương con đò

Qua thị trấn Tô Châu (Cờ Đỏ, Cần Thơ), theo đường ĐT921, tôi đến cầu có tên là Năm Châu. Nhìn xuống dòng sông cùng tên, tôi thật sự phân bì, bởi đã nhìn thấy kênh Bốn Tổng, kênh Giàu, kênh Thơm Rơm... Những con kênh này nó lớn, nó được ví sợi thừng, sợi chão chảy trong miền đất Nông trường Cờ Đỏ. Sông Năm Châu nhỏ như sợi cước vắt ngang cánh đồng. Gọi thoại cho anh bạn người địa phương, anh nói, cứ rẽ trái xuống bờ sông là có bến đò.

Cúp máy, mà nghĩ, quãng đường dài còn đi đến được, huống chi mấy bước chân mà vội càm ràm. Tôi bước xuống chỗ anh miêu tả cũng là lúc dòng sông hiện ra rõ ràng, nó nhỏ và trong xanh đầy ắp nước và bến đò cũng có luôn, ở đó có hai người phụ đang ngồi trên hai chiếc đò đợi khách.

Có một chị đang mang bầu, nhìn bụng chị lùm lùm, tôi xuống đò của chị. Phía sau lưng tôi có đoàn khách đông người, họ sẽ đi con đò của người phụ nữ kia. Nếu thiếu đò, họ sẽ gọi thêm đò bên dòng kênh Giàu chạy tới. Chị Phạm Thị Thắm, chủ nhân con đò, chỉ còn hai tháng nữa là sinh em bé. Chị nói, nếu đi ròng ròng vô ruộng, vô đồng đìa thì đưa chị một trăm, đi xíu xíu vài cây số thưởng thức dòng kênh thì năm chục.

Sông Năm Châu bắt nguồn từ đâu, chảy về đâu, tôi buông câu hỏi. Chị Thắm vui vẻ: “Con kênh này chỉ chảy trong xã Thạnh Phú thôi. Nó nối nước từ con kênh lớn này sang con kênh lớn khác”. À ra vậy, sông Năm Châu không chảy qua bốn biển nhưng tôi thích cái tên đặt cho dòng sông. Ngửa mặt hít một luồng không khí cho khoan khoái, tôi mỉm cười. Chị Thắm cũng mỉm cười, chị hỏi: “Cưng về đây đi chơi, thăm bà con hay muốn mua bán chi nữa? Về đây nhiêu lần rồi”?

Tôi xác nhận, về lần đầu, chị Thắm kể: “Mấy năm gần nay, ở đây có dịch vụ chèo đò cho khách thành phố về trải nghiệm trên dòng kênh. Kênh nào cũng có đò khách... Việc này, giúp một số chị em trong ấp, thôn có thu nhập mỗi ngày”.

“Trước, tôi đi làm mướn, làm công. Rồi khi có bầu lần này, lần thứ ba mang bầu, chị em trong ấp, trong thôn nói tui kiếm nghề nhẹ nhàng. Họ phân tích, kênh Năm Châu không có nhiều thuyền vận tải qua lại. Khách thích dạo trên dòng kênh này”, chị Thắm cho hay.

Đò của chị Thắm rời bến một quãng, đò của người khác đưa khách lội ngược phía tôi. Trên dòng kênh, thỉnh thoảng bắt gặp vó lưới của người dân dựng lên, kéo cá. Hàng cây xanh ven sông che tầm nhìn vào ruộng. Một nhánh cây xệ xuống, nhiều trái cây vẫn còn ở lại cành trên cao, chị Thắm nói: “Đó là trái cà na. Trái này mọc dại, hổng có bán ngoài chợ, ai thích thì bứt về ăn. Nó ăn với muối ớt, giòn và thơm lắm”.

Nhìn cành cà na ra trái trĩu trịt, xếp lớp như táo xanh ngoài bắc mà lúc đầu tôi nghĩ đây là loại xoài nhỏ hoặc một loại trái cóc của dòng Năm Châu. Thứ này mà có bạn đi cùng, túm năm, tụm ba hẳn sẽ ăn hết cả cây chứ không đùa. Lại nghĩ, thời của phân bón, hóa chất, đôi khi ăn trái cây thương hiệu vẫn có cảm giác nghi ngờ. Ăn trái cà na hoang dại sẽ vô tư lắm lắm.

Chị Thắm giảng giải: “Trái cà na ít có giá trị nên không có nhà ai trồng. Khi trái còn xanh, chua chát đủ bề. Khi trái chín thơm lừng dòng kênh luôn đó”. Tôi nhắc chị, đến chỗ nào có cây cà na mọc thấp mép nước, tấp vô, tôi kiếm vài trái ăn cho biết chất cà na. Chị Thắm gật đầu cười tươi trong quai nón níu qua cằm, hẳn chị vui khi thuyết phục được một đứa em xa xôi, lạ lẫm.

Đò khách Năm Châu ảnh 1

Bến đò thân thuộc bên dòng Năm Châu.

Cho tôi những êm đềm

Đò đi qua chòm dân cư ven sông cũng là lúc đồng lúa đôi bờ rộng tít tắp bật ra trước mắt tôi như xem phim màn ảnh rộng với một chuyển cảnh đầy bất ngờ. Đúng là đi một chuyến đò đáng đồng tiền bát gạo, cảm giác như trôi trên đồng lúa chứ không phải trên sông. Đi thêm một quãng sông nữa, tôi rủ chị Thắm ngừng đò, cho tôi lên ruộng ngắm lúa. Chị Thắm buộc con đò bên gốc cây nhỏ ven sông rồi bước lên đồng cùng tôi.

Ngồi bên bờ sông, hít hà hương lúa trong gió chiều miền tây, chị Thắm khẽ nói: “Chiếc đò ban nãy ở bên bến, đó là em gái của tôi, em tên là Thiện”. Tôi khẽ gật và miệng nhẩm đếm, chị là Phạm Thị Thắm, em là Phạm Thị Thiện, tôi buông câu hỏi: “Ba má chị có nhiêu người con vậy”? Chị Thắm đáp: “Năm người ba gái, hai trai, ba má tôi đặt tên con vần thờ hết chơn. Thắm, Thiện, Thường, Thông, Thịnh. Hồi nãy đi qua cái rạch có chiếc máy cày đang đưa cày xuống thuyền để di chuyển sang đồng khác là cậu Thường. Cậu Thông và dì Thịnh ở trên Cần Thơ”.

Chị Thắm hỏi tôi rằng, đã đi nhiều nơi trên đất nước, tôi gật đầu. Chị nói, chị đi xa nhất là lên Sài Gòn, lần đó, không phải là đi du lịch mà đi bệnh viện. Chị Thắm kể: “Bữa đó, khi về Cần Thơ, tôi đi xe khách Phương Trang, cạnh tôi có một chị mở hộp cơm ra ăn, tôi tính mở hộp bánh bao mình mua ra ăn cho đỡ đói. Nhưng anh lơ xe nói chị bên cạnh, không được ăn trên xe vì mùi. Anh ra lệnh, gói lại”.

“Tôi nghe vậy cũng đành quên chuyện đói của mình, nín nhịn về đến trạm nghỉ ở Cái Bè, Tiền Giang mới dám mở ra ăn”, chị Thắm kể.

“Đi xe, đi đường, tôi sợ nhứt những điều lệ mà mình không nắm được nên hổng dám đi xa. Mà nè, tui thích đi xe đò, xe chợ hồi xưa. Xe không có máy lạnh, ăn chi cũng được, thỉnh thoảng lại dừng dọc đường tha hồ mua đồ ăn, uống”, chị Thắm buông lời, rồi cười.

Tôi lại yêu cái nét hồn nhiên, chân thành ở chị. Có lẽ chị ở đây cũng giống như những bà chị của tôi ở quê ngoài bắc, nhiều những nỗi lo và đầy chất chân thành, chỉ biết trong xóm, trong thôn thôi, chứ xa một chút là không biết. Rồi cái tính thích kể chuyện đi chỗ nọ, chỗ kia bị mắc lỡm, mắc quê, bị quát mắng cứ im thin thít, về đến quê lại kể, thương không hết mà nói cho hiểu ra lại thần mặt cho rằng, mình người quê mà.

Tôi và chị Thắm lên đò và nói chị không cần chèo mà cứ thả cho đò trôi về bến. Trên dòng sông Năm Châu có nhiều con đò khác chở đầy khách đi qua con đò của chúng tôi và tràn ngập tiếng cười. Chắc chẳng có miền nào có nhiều con đò và nhiều phụ nữ chèo đò như ở miền Tây. Con đò là sinh kế, là nét đẹp trên sông và những tiếng cười cùng ánh mắt mãn nguyện của khách đi đò trải nghiệm một chút lênh đênh trên những dòng sông dù lớn, dù nhỏ.

Khách về Cờ Đỏ có thể thưởng thức món ốc bươu (ốc nhồi) khác biệt. Món ốc bươu này thì ở nước ta tỉnh, thành phố nào cũng có. Tuy nhiên về đây, bạn sẽ được chứng kiến cách chế biến món ốc tinh tế, dễ thương. Ốc sau khi đã rửa sạch, ngâm trong, thấu lòng con ốc với nước lã cùng ớt xắt mỏng. Nằm trong chậu nước cay và nóng bởi ớt, con ốc cứ uống nước vào ruột hóa giải lòng dạ mình, càng uống càng đắng cay. Ốc sạch sẽ, người chế biến cho vào nồi nước sôi trần nhẹ cho vảy ốc bong ra. Muốn ăn món ốc hấp, người chế biến sẽ cho tiêu xanh vào nồi. Muốn ăn ốc nướng, họ sẽ cho bếp nướng ra, đặt con ốc ngửa trên than nóng, vỏ ốc nấu ruột ốc hấp dẫn vô cùng.