Điệu tango kỳ lạ của tiểu thuyết hiện đại

Krasznahorkai Laszlo là một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất của văn chương Hungary đương đại, chủ nhân của gần 20 giải thưởng uy tín quốc tế, trong đó có giải Man Booker năm 2015.
0:00 / 0:00
0:00
Điệu tango kỳ lạ của tiểu thuyết hiện đại

Vài năm trước, người đọc Việt Nam từng làm quen với nhà văn này bằng bản dịch tiếng Việt cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và chiến tranh”. Và giờ đây là bản dịch tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của ông: “Vũ điệu quỷ Satan” (Satantango, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam và NXB học, 2022), một điệu tango kỳ lạ của tiểu thuyết châu Âu hiện đại.

“Vũ điệu quỷ Satan” mở đầu bằng một đoạn văn dài hai trang: “Một buổi sáng cuối tháng Mười, không lâu trước khi những giọt mưa mùa thu dai dẳng rơi xuống mặt đất khô khốc, nứt nẻ bên sườn phía đông của khu trại... Nhưng chẳng có gì động đậy và gã cũng không động đậy trên giường, cho tới khi những đồ vật chung quanh gã bỗng nhiên bắt đầu một cuộc đối thoại kỳ lạ nào đó”. Đoạn văn này cũng chính là đoạn văn khép lại chương cuối cùng của tiểu thuyết, chương có tên “Vòng tròn khép lại”. Điều đặc biệt là, nếu đoạn văn mở đầu và hầu như toàn bộ cuốn tiểu thuyết, được kể từ một người kể chuyện toàn năng nào đó, thì đoạn văn kết thúc cuốn tiểu thuyết lại được kể từ một nhân vật trong tác phẩm: ông bác sĩ, người chỉ lười nhác trùm chăn ngồi bên bàn hết ngày này sang ngày khác, vừa liên tục uống rượu, hút thuốc vừa nhìn và ghi lại mọi động tĩnh từ cuộc sống chung quanh. Đoạn văn kết thúc ấy do chính ông viết bác sĩ viết trong sổ tay của mình và vì thế, rất có thể ông cũng chính là người viết nên toàn bộ văn bản của tiểu thuyết “Vũ điệu quỷ Satan”.

Sự mập mờ về người kể chuyện và sự lặp lại trong cấu trúc mở đầu/kết thúc của tác phẩm có lẽ đã khiến người đọc phải nhìn lại toàn bộ cái thế giới mà Krasznahorkai Laszlo mô tả, bằng những câu văn rất dài, nhiều trùng lặp cố ý, như một thế giới hỗn độn và đang dần dần tan rữa. Đó là một khu nông trang hoang vắng, biệt lập, với vài gia đình trên chục người sinh sống. Họ cứ bám lấy cái khu nông trang tàn tạ ấy mà ăn, ngủ, nốc rượu, cãi vã, ẩu đả, nhảy múa với nhau, yêu đương lẫn nhau. Tuy thế, những con người ấy vẫn ngóng trông vào sự thay đổi hoàn cảnh sống và số phận cuộc đời mình nhờ một nhân vật bí ẩn có tên Irimias. Hắn như vị cứu tinh đối với họ, trong khi thực chất lại chỉ là một tên lừa đảo. Hắn dụ dỗ và xua họ ra khỏi một vùng đất bị lãng quên này, lang thang vô định trong mưa và trên bùn, chỉ để đến một vùng đất bị lãng quên khác.

Krasznahorkai Laszlo từng nói: “Các nhân vật của tôi tìm kiếm không mệt mỏi và sẽ còn tìm kiếm trong một mê lộ, mê lộ đó không gì khác hơn là nơi họ mắc sai lầm và là nơi con người ta chỉ có thể có một mục đích duy nhất: hiểu ra sai lầm này và cấu trúc của nó”. Khắc nghiệt, lạnh lùng trong sự phơi lộ những vô minh của con người, có thể nói, đó chính là chủ nghĩa nhân văn theo kiểu của Krasznahorkai Laszlo trong “Vũ điệu quỷ Satan”.