Định hướng tổ chức như thế là để SEA Games 31 trở thành bước đệm cho thể thao Việt Nam tiến vào đấu trường ASIAD và Olympic; cũng là nền tảng để xem xét các kết quả phấn đấu của thể thao nước nhà ở các nội dung quan trọng như điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ…
Đối với môn điền kinh, thể thao Việt Nam đã liên tiếp giành thứ hạng cao ở hai kỳ SEA Games liên tiếp. Ở SEA Games 29, điền kinh Việt Nam giành tới 17 HCV, gần gấp đôi Thailand, trong khi ở SEA Games 30, điền kinh Việt Nam tiếp tục giành 16 HCV, duy trì được thứ hạng số 1 trên bảng tổng sắp. Các kết quả nói trên là căn cứ để điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu đoạt từ 15-17 HCV và bảo vệ ngôi vị số 1. “Mở hàng” vào ngày 14/5, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam đã không phụ lòng mong mỏi của người hâm mộ và giới chuyên môn với “cơn mưa vàng” từ các nội dung thi đấu. Cô gái “vàng” Nguyễn Thị Oanh giành được cú ăn ba HCV ở các cự ly 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m chướng ngại vật (CNV). Ở nội dung 400 m, Nguyễn Thị Huyền giành được HCV với cự ly sở trường, trong khi Nguyễn Văn Lai thể hiện sự áp đảo trên đường đua 5.000 m khi một mình băng về đích. Những cự ly quan trọng khác cũng có HCV như 1.500 m (Đức Phước), 800 m (Phương Anh), 100 m rào (Bùi Thị Nguyên). Các môn nhảy xa nam và nhảy cao nữ có HCV của Tiến Trọng và Phạm Thị Diễm. Ở môn ném lao nam, Hoài Văn xuất sắc giành HCV. Điều đáng tiếc nhất cho đội tuyển điền kinh Việt Nam là sự vắng mặt của nhà vô địch cự ly ngắn Tú Chinh do chấn thương trước thềm SEA Games.
Căn cứ vào kết quả thi đấu, có thể khẳng định rằng, điền kinh Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu 15-17 HCV đã đặt ra. Một điểm cần lưu ý là tuy đạt được HCV nhưng các thành tích vẫn còn cách khá xa chuẩn Olympic, vì vậy vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trên con đường hội nhập quốc tế, cụ thể là các giải châu lục và Olympic.