Dí dủm, thâm trầm Trần Chiến

16 truyện ngắn của nhà báo, nhà văn Trần Chiến trong tập truyện ngắn “Tỏ giăng tỏ đèn” (NXB Trẻ) vừa giới thiệu với bạn đọc tiếp tục cho thấy một giọng văn dí dủm, thâm trầm khó lẫn và những mối quan tâm sâu sắc trong cõi người.
0:00 / 0:00
0:00
Dí dủm, thâm trầm Trần Chiến

“Rụng xuống bao nhiêu là nỗi, chả biết nên cởi bỏ từ đâu, đâm thượt cái mặt Dư ra”, đấy là một câu trong truyện ngắn “Con chú con bác” của Trần Chiến. Và cả tập truyện này cũng như vậy, không chỉ chuyện nông thôn hay thành thị, nông dân hay thị dân mà cả những con người lao động trong những không gian văn hóa vùng miền khác nhau, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lại có cả những nhập vai của nhà văn cho nỗi niềm của những nhân vật lịch sử mà phần nhiều là người nữ - vốn lắm thiệt thòi, chịu nhiều định kiến…

Đó là tệ háo danh, tính cố kết dòng tộc đã khiến một anh công chức chỉ vì viết chữ đẹp phải gánh trên vai gánh nặng họ tộc trao là theo đuổi học vị thạc sĩ, tiến sĩ đến nỗi mất cả mạng, một cách bi hài. Rồi tâm trạng muốn thoát ra khỏi ràng buộc làng quê nhưng lại tự thấy mình cũng đầy những trăn trở của một người phố còn nguyên cái dây rốn với làng của Dư trong “Con chú con bác”. Khoảng cách thế hệ, ứng xử và lựa chọn khác biệt của lớp cháu con cũng là những quan sát đặc sắc của Trần Chiến để cho ra cái nỗi niềm không dễ gọi tên. Anh con trai của Dư ngại về quê vì vướng những cái tưởng như nho nhỏ “bị ông nhóc tỳ bắt gọi “bác”, ăn cỗ cứ bị gắp lại dậy mày sung sướng đừng quên quê hương”, nhưng lại năng nổ cứu trợ vùng cao-cái nơi mà “bố và ông bà nội từng nương náu”.

Và với đời sống thị dân, Trần Chiến có những tiếp cận vào cuộc sống đương đại của lớp có tuổi mà giới nghiên cứu gia đình gọi là “tổ rỗng”. Tức là cuộc sống của gia đình chỉ còn lại đôi vợ chồng đã về già sau khi con cái tung cánh bay xa, như thuở đầu mới kết hôn, chưa có con. Một thế giới tâm tư ít được đề cập, lủng củng va đập từ sinh hoạt hằng ngày đến những ám ảnh đôi lứa mặn nồng khi xưa như “Tận hưởng cuộc sống”.

Là người quan tâm nhiều đến lịch sử, văn hóa, Trần Chiến cũng dành sự quan tâm riêng cho những nhân vật huyền thoại nhiều nỗi niềm như “Tiên Dung công chúa”. Cuộc hóa thân để làm một đối thoại của người xưa với người nay là một sáng tạo thú vị, khá phiêu của Trần Chiến, ít nhiều từng thể hiện trong một số truyện ngắn, nhân vật tiểu thuyết trước đó của ông.

Qua những rủ rỉ, đối đáp của các nhân vật trong truyện ngắn Trần Chiến, dễ thấy cái dí dủm thâm trầm của nhà văn. Có khi là câu chữ, khi khác lại là một hoàn cảnh bi hài, trớ trêu. Người đọc không khỏi nghĩ đến cái quan sát tinh tế và giàu chiêm nghiệm của tác giả. “Vợ dại dai như đàn bà, kệ! Ông Luận thấy mình có nhẽ để “thăng”. Trên gác, “cục vàng khối” năm chín ki-lô của ông đương sự nghiệp ủ ấm chăn đệm” (Tỏ giăng tỏ đèn). “Đang xây xẩm thì bác trưởng dưới quê lên, trông thấy quyển luận văn dày dặn đẹp đẽ liền khen và “Xong cuộc này chú tiện thể làm luôn cái tiến sĩ cho đẹp mặt chi, mới cả phấn đấu chân phó phòng để con cháu được nhờ mới cả… Chưa giao xong nhiệm vụ thì “huỵch” phát, đầu chú Ban cắm xuống đất như gà mổ thóc”. (Ai bảo viết chữ đẹp).

Trần Chiến trong trang viết cũng như ngoài đời, cái dí dủm thâm trầm như là một cách để ông bắt lấy những chuyển động của đời sống, những thoáng ưu tư nào đó của đời người, có thể rất dễ trôi qua.