Di chứng tại nước Mỹ sau sự kiện 11-9

Đã 19 năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ tiến công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ và dẫn tới nhiều biến đổi trên bản đồ địa - chính trị thế giới. Đây là vụ tiến công mà hậu quả kéo theo nhiều hệ lụy, dẫn đến bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố không chỉ của nước Mỹ mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Vụ tiến công nhằm vào tòa tháp đôi WTC ngày 11-9-2001. Ảnh: GETTY IMAGES
Vụ tiến công nhằm vào tòa tháp đôi WTC ngày 11-9-2001. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo trang Zavtra của Nga, chuyển sang thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, nước Mỹ chưa hề chuẩn bị trước đòn tiến công khủng bố xảy ra ngay trong lãnh thổ của mình. Cho dù ngày 26-2-1993 đã xảy ra vụ đánh bom xe nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới (WTC), song giới chức an ninh nước này vẫn hoàn toàn bị bất ngờ. Kết quả là ngày 11-9-2001, các phần tử khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển ba chiếc máy bay dân dụng gây ra loạt vụ tiến công liều chết nhằm vào WTC ở New York, Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở bang Virginia và vụ tiến công bất thành vào Thủ đô Washington D.C, khiến gần 3.000 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương. Thiệt hại kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ USD, nhưng di chứng về tinh thần thì nặng nề hơn nhiều.

Kể từ sau sự kiện trên, nước Mỹ tuyên bố bước vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đưa ra học thuyết mới “đòn phủ đầu”, nghĩa là dùng sức mạnh quân sự để giải quyết các mối đe dọa an ninh với Mỹ, cho phép nước này đơn phương tiến hành chiến tranh chống lại những nước được coi là thù địch. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã kéo “xứ cờ hoa” dấn sâu vào các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và tiến công những nước mà Mỹ liệt vào “trục ma quỷ”. Nước Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, không chỉ dưới góc độ là mục tiêu tiến công của các nhóm khủng bố quốc tế, tôn giáo cực đoan mà còn cả dưới góc độ là một quốc gia gây chiến trên thế giới, thực thi các chính sách quân sự, ngoại giao đơn phương cực đoan tại một số nước, gây ra những “điểm nóng” xung đột trên thế giới, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây, kéo theo làn sóng khủng bố đẫm máu nhằm vào dân thường vô tội trên toàn thế giới.

Cuộc chiến chống khủng bố của nước Mỹ làm thế giới bị chia rẽ sâu sắc. Theo chính sách của chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, thế giới được phân thành hai nhóm: một là theo Mỹ chống khủng bố; hai là không chống khủng bố, đồng nghĩa với việc chống lại Mỹ. Trong khi đó, các nước lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU), đi đầu là Pháp và Đức dẫn đầu phong trào phản đối (năm 2002, có tới 63% số người được khảo sát ở Pháp và 52% ở Đức phê phán các chính sách đối ngoại của Mỹ). Chính điều này đã khiến quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương có thời điểm rơi vào căng thẳng. 

Theo nhận định của chuyên gia thuộc hãng thông tấn TASS, đối với các nước bị Mỹ liệt vào danh sách “trục ma quỷ”, những hành động nhằm tự vệ và tìm kiếm sự trợ giúp quốc tế để chống lại Mỹ là điều dễ hiểu. Đó là lý do vì sao hoạt động phát triển các chương trình hạt nhân, phát triển tên lửa đạn đạo,… của Triều Tiên, Iran trở nên nóng bỏng và có nhiều biến động phức tạp trong hai thập kỷ qua. Trong khi một loạt các quốc gia khác bị Mỹ liệt vào danh sách ủng hộ khủng bố như Venezuela, Bolivia, Syria,… khiến quan hệ giữa Mỹ với các nước này nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung trở nên căng thẳng, biến người Mỹ và công dân các nước đồng minh của Mỹ trở thành mục tiêu tiến công ở nước ngoài. Suốt nhiều năm sau vụ khủng bố, tình trạng báo động an ninh ở Mỹ và một số nước đồng minh như Anh, Pháp, Australia, Đức,… luôn ở mức cao, gây tâm lý căng thẳng cho người dân, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế và uy tín chính trị của các nước này trên trường quốc tế.

Di chứng tại nước Mỹ sau sự kiện 11-9 -0
Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố hao tiền tốn của sau sự kiện 11-9-2001. Ảnh: USMA 

Suốt hai thập kỷ qua, khi Mỹ bị sa lầy vào các cuộc chiến chống khủng bố hao tiền tốn của, nhiều quốc gia khác đã nhanh chóng phát triển, vươn lên trở thành những cực đối trọng với Mỹ. Tiếng nói của Mỹ trên trường quốc tế, đặc biệt là tại các tổ chức đa phương như LHQ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB),… có dấu hiệu bị giảm sút. Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với Mỹ là trung tâm, đang bị thách thức bởi công thức mới là G20. Những thay đổi đó trong đời sống chính trị - kinh tế thế giới góp phần hình thành nên trật tự thế giới mới: “Nhất siêu, đa cường”. 

Trong số những nước đang vươn lên, Trung Quốc phát triển đột phá trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã và đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trên một số lĩnh vực. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq; củng cố lại mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản; thực thi chính sách xoay trục sang Thái Bình Dương,… thì cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc càng quyết liệt hơn, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Nhiều chuyên gia bắt đầu nhận định, nếu như thập kỷ 1980 - 1990 chứng kiến sự cạnh tranh kinh tế giữa Nhật Bản và Mỹ mà kết quả nghiêng về Mỹ, thì giai đoạn 2020 - 2030 sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, trước tiên là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau cuộc chiến chống khủng bố khởi đầu ồn ào và được nhiều nước ủng hộ, nước Mỹ đã đánh mất nhiều đồng minh bởi lý do chống khủng bố kém thuyết phục và phải rút quân khỏi chiến trường Iraq. Khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, nước Mỹ tập trung vào phát triển kinh tế, giúp giảm dần tỷ lệ nợ công và thâm hụt ngân sách, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, thực thi những cải cách, thay đổi lớn trong hệ thống y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh… Người dân Mỹ dần nguôi ngoai và hồi ức về vụ khủng bố 11-9 chỉ còn được gợi lại vào các dịp kỷ niệm hằng năm.

Những cái được và mất của nước Mỹ từ sau sự kiện khủng bố 11-9 vẫn còn nhiều tranh cãi. Theo CNN, chỉ riêng hai cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan khiến hơn 5.000 lính Mỹ thiệt mạng, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ và các nước đồng minh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh nước Mỹ; khiến uy tín chính trị của nước này giảm sút trên trường quốc tế. Ở góc độ khác, theo giới chuyên gia, nhờ chiến tranh Mỹ tích lũy được 5.000 tỷ USD từ việc bán vũ khí và lợi nhuận dầu mỏ.

Gần 20 năm sau sự kiện 11-9-2001, trong khi nước Mỹ tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến tranh, thì lại phải đối mặt những thách thức mới nghiêm trọng hơn ở trong nước và trên trường quốc tế, do chính những chính sách an ninh và đối ngoại của nước này tạo nên.