Để nối tiếp những thành công, bóng đá nữ Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, cần có chiến lược đầu tư trọng tâm trọng điểm, các điều kiện luyện tập hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp. Thực tế, chúng ta không chỉ có một mục tiêu là SEA Games mà còn các mục tiêu khác nữa. Ở sân chơi đẳng cấp cao nhất thế giới, đội tuyển nữ Việt Nam cần có những định hướng chiến lược cụ thể, coi đây là sân chơi cọ xát để tích lũy kinh nghiệm chứ không nên đặt nặng quá nhiều kỳ vọng, gây áp lực lên cầu thủ.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến có tên “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam” do Báo Nhân Dân tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện, dành sự quan tâm hơn nữa cho việc phát triển thể thao nói chung và bóng đá nữ nói riêng lên một tầm cao mới. Thực tế những kỳ tích như ở SEA Games hay việc giành vé đi World Cup là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn cần có sự chăm sóc thường xuyên hơn đối với các cầu thủ nữ, không chỉ khi nào có thành tích, lên cao trào mới có sự hưởng ứng, chăm sóc, mà phải thường xuyên hơn, hằng ngày, hằng giờ.
Trả lời câu hỏi về những định hướng giúp bóng đá nữ Việt Nam phát triển hơn nữa, Phó Tổng cục trưởng Thể dục, Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, sắp tới sẽ đề ra các giải pháp về tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện để giúp tuyển nữ khắc phục các điểm yếu thể lực, thể hình và sẽ có sự chăm chút về chế độ đãi ngộ, dinh dưỡng, thuốc điều trị, thực phẩm chức năng. Về đầu ra cho các nữ cầu thủ sau khi giã nghiệp, hiện Tổng cục Thể dục, Thể thao đã ký các chương trình phối hợp đào tạo với Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; ký hợp tác với Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam để khi các cầu thủ từ giã sự nghiệp, họ sẽ được nhận về đào tạo công việc mới.