Đầu tư cho nhân lực vi mạch bán dẫn

Là đơn vị cung cấp hơn 50% kỹ sư lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch mở rộng quy mô để sớm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Từ nay đến năm 2030, đại học này đặt mục tiêu đào tạo 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch.
0:00 / 0:00
0:00
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh: THIỆN THÔNG
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Ảnh: THIỆN THÔNG

Cái “bắt tay” quan trọng

Synopsys (Mỹ) là một trong số ít các tập đoàn thống trị thị trường thế giới trong lĩnh vực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử, trong đó có các phần mềm chuyên dụng dùng cho thiết kế chip. Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của Synopsys. Hiện nay, Synopsys Việt Nam đã mở rộng văn phòng tại hai đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút hơn 500 kỹ sư có năng lực tại hai trung tâm công nghệ hàng đầu của cả nước. Mới đây, Tập đoàn công nghệ Synopsys đã ký kết Biên bản hợp tác nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Với sự hợp tác lần này, Synopsys sẽ chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các bộ công cụ, phần mềm thiết kế chip cho sinh viên đang theo học những ngành liên quan tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn này cũng cam kết tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu cơ hội việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Synopsys còn hỗ trợ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn “Train-the-Trainer”. Tham gia chương trình đào tạo, giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm việc tại Synopsys trong thời gian bốn tháng để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn. Hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã cử ba giảng viên từ Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin tham gia khóa đào tạo đầu tiên.

Sau cái “bắt tay” lần này, hai bên còn phối hợp phát triển Viện Nghiên cứu bán dẫn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (tên tiếng Anh là: VNUHCM Semiconductor Research Institute - VSRI). Đây là nơi cung cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu dùng chung cho các trường đại học, các công ty khởi nghiệp và là trung tâm kết nối, phát triển hợp tác lĩnh vực bán dẫn giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, viện, trường đại học trong và ngoài nước. Ngoài ra, Synopsys còn hỗ trợ kết nối để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đối tác toàn cầu của tập đoàn, đồng thời trao đổi, thúc đẩy các đối tác này xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển đặt tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Vẫn cần nhiều nguồn lực đầu tư

Đây được coi là bước đi quan trọng trong quá trình tập trung phát triển cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn mà Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra trong năm 2024 và giai đoạn tới. Đại học này đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong năm nay, đại học này tiếp tục đầu tư khoảng 80 tỷ đồng cho hai phòng thí nghiệm mới về công nghệ vi mạch bán dẫn tại hai đơn vị thành viên là Trường đại học Khoa học tự nhiên cùng Trường đại học Công nghệ thông tin với nhiều trang thiết bị hiện đại, nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu. Năm 2018, đại học này đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để thành lập Phòng thí nghiệm Vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường đại học Bách khoa.

Bên cạnh những ngành, chuyên ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp hiện có, trong năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở mới và tuyển sinh đào tạo ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn tại ba trường đại học thành viên là Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin. Năm nay, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu với ngành vi mạch bán dẫn, tăng gấp đôi so với mọi năm. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới. PGS, TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Muốn đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành này, các trường cần thêm kinh phí để đầu tư phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, đồng thời có thêm chính sách đãi ngộ thu hút các chuyên gia tham gia đào tạo. Và quan trọng nhất phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tạo môi trường thực tập, tuyển dụng để thu hút đầu vào chất lượng cao”.

Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam giai đoạn này vẫn sẽ gặp không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất là làm sao thu hút người giỏi vào học ngành này để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai gần. Cùng với đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của chương trình đào tạo mà không phải trường đại học nào cũng đủ khả năng đáp ứng. “Khi chúng ta thành lập các chương trình đào tạo mới về công nghệ vi mạch bán dẫn thì việc thiết kế chương trình vừa phải bảo đảm công nghệ hiện tại, vừa phải bảo đảm thích nghi kịp với sự thay đổi của hàng loạt công nghệ mới. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng phải đáp ứng được nhu cầu ký kết của doanh nghiệp và bố trí được chỗ thực tập cho sinh viên”, ông Quân lý giải.

Cũng theo ông Quân, vấn đề nan giải kế tiếp chính là chất lượng của đội ngũ giảng viên phục vụ cho việc đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn. Số lượng giảng viên được đào tạo bài bản cho lĩnh vực này tại Việt Nam hiện còn thấp. Các trường đại học rất khó cạnh tranh về mức lương, chế độ đãi ngộ để thu hút giảng viên giỏi, chuyên gia cao cấp về giảng dạy vì hiện nay các công ty công nghệ chào đón và giữ chân người tài với mức lương rất cao. Cùng với đó là những hạn chế về hệ thống phòng thí nghiệm và phần mềm phục vụ cho đào tạo. Ngành thiết kế vi mạch đòi hỏi phải có phần mềm và hệ thống thiết bị đào tạo chuyên dụng với mức đầu tư cực lớn, vượt quá năng lực của nhiều trường đại học. Do vậy, rất cần sự đồng hành của các công ty, tập đoàn lớn trong hoạt động chia sẻ tài nguyên công nghệ, nghiên cứu và phát triển, vì tự thân các trường rất khó kham nổi.