Miễn viện phí Chủ trương lớn vì dân

Miễn viện phí cho toàn dân - chủ trương vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ - không chỉ mở ra trước mắt một bước tiến lịch sử trong chính sách y tế, mà còn là thông điệp mạnh mẽ khẳng định bản chất nhân văn, ưu việt của chế độ ta. Cùng với chính sách miễn học phí phổ thông, đây là nền tảng căn bản để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân, hướng tới một xã hội công bằng, phát triển bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: SONG ANH
Hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: SONG ANH

Chính sách và chủ trương mới

Thời gian qua nhiều chính sách an sinh xã hội ngày càng đi vào cuộc sống. Đơn cử, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách BHXH. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được tăng cao nhất từ trước đến nay là 35,7%. Cùng với đó là nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng an sinh xã hội. Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2024, từ 1/1/2025, người tham gia BHYT khi mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao có thể đến bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu vẫn được BHYT thanh toán 100% mà không cần đến giấy chuyển tuyến như trước. Cả nước đang triển khai đồng loạt Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến Luật Việc làm được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5/2025 cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững...

“Tất cả đều là những bước tiến hướng tới công bằng, mang ý nghĩa tích cực lâu dài cho xã hội. Các chủ trương này đã khẳng định mục tiêu bảo đảm các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân: Được học hành, làm việc, khi ốm đau được chữa bệnh. Đây cũng là nền tảng phúc lợi để người dân, đặc biệt là những người yếu thế, được sống tốt hơn”, PGS, TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: “Miễn viện phí toàn dân là mục tiêu rất tốt đẹp mang tính lịch sử trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Trong quá trình đổi mới của đất nước và phát triển kinh tế, Đảng, Nhà nước càng chăm lo tới sức khỏe của người dân theo đúng nghĩa, dân khỏe-đất nước vững mạnh”.

Chủ trương miễn viện phí đã khiến mọi tầng lớp nhân dân phấn khởi, cảm kích. Ông Đặng Đức Quy, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 17, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đánh giá: “Chính sách miễn học phí và hướng tới miễn viện phí đều là những quyết sách lớn, hợp lòng dân. Tôi cho rằng, đây là bước đi hết sức nhân văn và bài bản, thể hiện rõ ràng tính ưu việt của chế độ. Trong hoàn cảnh đất nước ta còn khó khăn, những “cam kết” trên cũng thể hiện sự cố gắng của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm bệ đỡ an sinh vững chắc!”.

Miễn viện phí Chủ trương lớn vì dân ảnh 1

Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nặng. Ảnh: TTXVN

Tiếng nói từ thực tiễn

Bệnh viện (BV) Bạch Mai là tuyến cuối, nơi điều trị các ca bệnh nặng. Tại Khoa Cấp cứu A9, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân cần đòi hỏi can thiệp chuyên sâu. Vì tính chất cấp tính, nên mỗi bệnh nhân vào đây đều dễ rơi vào tình huống “đặt cược” với số phận. Cách đây vài ngày, anh N.T.L (35 tuổi) trú tại huyện Ba Bể, tỉnh Cao Bằng được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng viêm phổi nặng có biến chứng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được chỉ định phải lọc máu và đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Vợ bệnh nhân cho biết, vì chủ quan, hai vợ chồng là lao động tự do nên không mua thẻ BHYT. Với mức chi phí điều trị trung bình là

10 triệu đồng/ngày khiến gia đình không biết bấu víu vào đâu. “Tiền lọc máu 15 triệu đồng/lượt, đặt máy ECMO hơn 100 triệu đồng…, gia đình tôi không đủ tiền để chữa trị cho chồng nên các bác sĩ đã hướng dẫn tôi làm đơn xin trợ giúp!”, vợ anh L. nói.

Gia đình anh N.T.L nếu không nhận được nguồn hỗ trợ, không có khả năng trả viện phí thì chỉ còn nước xin về… chờ chết. Vì vậy, khi được hỏi, nhiều người nhà bệnh nhân tại Khoa A9 rất mong chủ trương miễn viện phí sớm được triển khai để gia đình họ giảm bớt gánh nặng tài chính. “Bệnh nhân vào đây, người có thẻ BHYT, người không có thẻ hoặc phải đồng chi trả. Nhưng do bệnh nặng, phải dùng thuốc đắt tiền, kỹ thuật chuyên sâu nên viện phí vẫn rất lớn. Bệnh tật không ai mong muốn cả nhưng nếu mắc phải rất dễ trở nên khánh kiệt. Nay được Nhà nước quan tâm, miễn viện phí cho người dân là điều quá tốt đẹp!”, chị Nguyễn Hồng Vân, trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ.

Còn tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai), cho dù mới đầu giờ sáng, dãy hành lang bên ngoài đã chật kín bệnh nhân đến chờ khám. Trong nhiều buồng bệnh cũng đông bệnh nhân đang thực hiện tiêm, truyền. Đa phần bệnh nhân ung thư thường đến BV khi bệnh đã trở nặng khiến chi phí càng cao. Chị N.T.H (huyện Nho Quan, Ninh Bình) là người nhà bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi đã di căn vào gan và xương. “Phác đồ sử dụng thuốc miễn dịch cho một lần điều trị là 70 triệu đồng/tháng nhưng không được BHYT chi trả, chưa kể chi phí xét nghiệm, xạ trị, hóa trị, tiền giường bệnh và chi phí dinh dưỡng. Hiện gia đình đã phải bán nhà ở quê mới có đủ tiền điều trị đúng liệu trình. Tôi chứng kiến, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền chữa bệnh đã phải xin về, chịu đau đớn và chết. Nay có chính sách miễn viện phí, tôi hy vọng, nhiều bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội kéo dài sự sống”, chị H. bày tỏ.

Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa 2, Giám đốc BV Sa Pa (Lào Cai) Phạm Lê Trung chia sẻ: “Đây là chủ trương tuyệt vời, đặc biệt cho địa bàn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân!”. Hiện nay, theo bác sĩ Trung, mặc dù đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng thời gian qua đã có một số thay đổi. Theo đó, với các xã đã hoàn thành nông thôn mới, được đưa ra khỏi vùng khó khăn, không được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa. Trong khi đó, đời sống kinh tế của bà con vẫn còn nhiều khó khăn nên nếu không có thẻ BHYT, chi phí khám, chữa bệnh cao khiến gia đình họ rất vất vả. “Nếu khám, chữa bệnh bình thường, phải nằm viện từ 5-7 ngày cũng phải tốn 2-3 triệu đồng. Nếu mổ phải tốn 8-10 triệu đồng. Số tiền đó với bà con không biết xoay xở ở đâu. Thời gian vừa rồi, nhiều trường hợp được BV miễn viện phí vì không có khả năng chi trả. Thông qua phòng công tác xã hội, chúng tôi tiếp nhận tất cả những nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân từ bộ quần áo cũ đến suất ăn, mì ăn liền, cháo… Nếu trường hợp bà con mắc bệnh hiểm nghèo mà phải chuyển lên tuyến trên điều trị thì khó khăn còn bội phần!”, bác sĩ Trung nói.

Miễn viện phí Chủ trương lớn vì dân ảnh 2

Chờ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện E. Ảnh: NAM HẢI

Chính sách vận hành đúng hướng

“Tổng Bí thư đề cập đến lộ trình, từ nay đến năm 2030, chúng ta thực hiện miễn viện phí. Và thực tế, chúng ta đang đi đúng hướng, đúng lộ trình, đó là tiến tới BHYT toàn dân. BHYT là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Tiến tới miễn viện phí và mọi người dân đều có thẻ BHYT để được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam (Bộ Tài chính) nhận định.

Hiện nay, mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư cũng được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.

Còn đối với một cơ sở khám, chữa bệnh lớn nhất cả nước như BV Bạch Mai, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV cũng nhìn nhận: “Tôi cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước đang vận hành đúng hướng. Tiến tới thực hiện miễn viện phí, đồng nghĩa với việc quản lý chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân ngay từ đầu (giai đoạn thai kỳ), từ tuyến cơ sở (cộng đồng), được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và quản lý sức khỏe bằng bệnh án điện tử. Khi phát hiện bệnh nặng sẽ được điều trị miễn phí tại tuyến T.Ư”.

Ông Cơ kể lại câu chuyện mới đây, đoàn bác sĩ, cán bộ BV Bạch Mai đi khám bệnh tại huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An. “Dự định ban đầu chúng tôi chỉ đi khám cho khoảng độ 500-600 bà con diện hộ nghèo, chính sách. Nhưng khi biết chúng tôi về, bà con cách mấy chục cây số nghe tin cũng tìm đến. Thay vì khám 500 người, chúng tôi đã khám 3 nghìn người/buổi khám”. Từ những chuyến đi thực tế, ông Cơ đánh giá, y tế cơ sở còn thiếu và yếu. Với những bệnh cơ bản như huyết áp, tiểu đường hoàn toàn có thể phát hiện và kiểm soát tại cộng đồng. Nhưng hiện nay, người dân không được thăm khám kịp thời để đến khi biến chứng buộc phải lên tuyến trên gây tốn kém điều trị và đi lại.

“Người dân ở làng, ở bản khi bị bệnh thì “bần cùng bất đắc dĩ” lắm họ mới đi BV. Vì khi họ đến trạm xá xin thuốc, có thể không mất tiền nhưng lên BV huyện là phải bán đàn gà. Lên BV tỉnh là bán đàn lợn, lên BV tuyến T.Ư là phải bán trâu, bò, thậm chí nương rẫy. Như vậy, vừa thoát nghèo xong nhưng khi đi BV lại tái nghèo. Nếu họ được chăm sóc y tế tốt từ ban đầu, y tế cơ sở tốt, không phải lên tuyến T.Ư thì họ không bị tái nghèo”, một vị bác sĩ ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.

“Chính vì vậy, chủ trương miễn viện phí cho toàn dân không phải là để người bệnh đổ xô lên tuyến trên khám, chữa bệnh gây quá tải không cần thiết, mà chúng ta tiếp tục theo hướng đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Giai đoạn này chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tiến tới không còn cấp quận, huyện. Vậy các trung tâm y tế huyện, các BV huyện sẽ vận hành như thế nào để gắn với y tế cơ sở, y tế thôn bản. Đây là cơ hội để chúng ta tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở sao cho gắn với dân, gần dân nhất thì dân mới được chăm sóc”, ông Cơ đề xuất.

Thống kê của Phòng Công tác Xã hội, BV Bạch Mai cho thấy, từ năm 2022-2024, đơn vị này đã huy động các nguồn lực để trợ giúp người bệnh tiếp cận điều trị. Theo đó, ủng hộ trực tiếp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hơn 18 tỷ đồng, tặng quà, suất ăn từ thiện cho bệnh nhân hơn 17 tỷ đồng.

Hướng tới BHYT toàn dân, đầu tư y tế cơ sở

“Câu chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Vừa chạy, vừa xếp hàng” trong bối cảnh tiến tới thực hiện miễn viện phí khiến chúng ta phải làm ngay hay chờ đến lúc “sẵn nong, sẵn né” đủ hết nguồn lực mới làm (?). E rằng, lúc đó là muộn!”, PGS, TS Đào Xuân Cơ tâm tư. Theo ông, để thực hiện được việc miễn viện phí, chăm sóc sức khỏe toàn dân thì trước tiên phải đầu tư y tế cơ sở, làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế lớn, chuyên sâu. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để đầu tư y tế cơ sở, theo ông Cơ, đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ xây dựng lại mô hình y tế cơ sở sao cho đủ mạnh và vận hành hiệu quả.

Về phía địa phương, nhiều tỉnh đã chọn phương án ký kết hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện với đơn vị y tế chuyên sâu như BV Bạch Mai trong đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Đơn cử như tại các tỉnh miền núi phía bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên…, nhiều kỹ thuật cơ bản và chuyên sâu đã được thực hiện ngay tại địa phương như can thiệp tim mạch, can thiệp sọ não, đột quỵ, cấp cứu hồi sức từ cơ bản đến chuyên sâu, nội soi, nhi khoa, sản khoa, hô hấp… Các địa phương đầu tư thiết bị, đầu tư con người, cử cán bộ xuống BV Bạch Mai học và BV Bạch Mai cử cán bộ lên đó chuyển giao kỹ thuật. “Bệnh lý nhồi máu cơ tim hay nhồi máu não, thời gian cấp cứu là vàng. Nếu bệnh nhân phải chuyển xuống BV Bạch Mai thì còn gì là vàng nữa!”, PGS, TS Đào Xuân Cơ tâm huyết nói. Kết quả là nếu đầu tư tốt cho y tế cơ sở, bác sĩ tuyến cơ sở làm việc tốt thì người dân mạnh khỏe mới làm giàu cho địa phương.

Khi tuyến cơ sở hoạt động tốt, hiệu ứng tốt là sẽ giảm tải cho tuyến trên. Các đơn vị y tế lớn, chuyên sâu như BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, BV K… sẽ tập trung vào điều trị bệnh lý khó, bệnh lý chuyên sâu, bệnh hiếm; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học để tìm ra những phương pháp mới trong chẩn đoán, điều trị, tìm ra thuốc mới; thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ bản và chuyên sâu. Đặc biệt, khi Chính phủ đầu tư cho một số BV chuyên sâu để người dân không đi nước ngoài khám, chữa bệnh nữa thì nguồn lực giữ lại rất lớn, ước tới hàng tỷ đô-la để có thể tái đầu tư xây dựng y tế như cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị…

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2024, 94,29% người dân đã có thẻ BHYT. Năm 2025 phấn đấu khoảng 95% người dân có BHYT. Cả nước, có khoảng hơn 95,5 triệu người dân đã có thẻ BHYT, chỉ còn 6 triệu người nằm trong “khoảng trống”. Cơ quan BHXH cũng đã ký hợp đồng tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, khoảng 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh (bao gồm cả trạm y tế xã) để người dân có thể tiếp cận khám, chữa bệnh. Năm 2024, cũng đã có 183,6 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh. Chi phí bình quân/lần khám là 357 nghìn đồng và điều trị nội trú là 5,5 triệu đồng/lượt.

Còn theo Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, để đạt được mục tiêu miễn viện phí phải dựa vào 3 nguồn lực chính. Đó là thông qua Quỹ BHYT; Ngân sách nhà nước (cả T.Ư lẫn địa phương) và huy động xã hội hóa. Đi kèm 3 nguồn lực này đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ. “Phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng quỹ BHYT, nhất là chỉ định sử dụng dịch vụ y tế (không lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết”, ông Hòa nói.

Ông Hòa đề xuất, muốn thực hiện được cần có lộ trình và kế hoạch thực hiện. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó phải đẩy nhanh mục tiêu, nghĩa là 100% người dân có thẻ. Thứ hai, phải tăng cường hỗ trợ đóng cho người dân, nhất là người khó khăn, người dân tộc thiểu số. Cần thiết phải nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT, chỉ để một phần nhỏ còn lại để người dân mua đi kèm trách nhiệm cá nhân.

Thứ ba, Bộ Y tế cần ban hành Gói chăm sóc y tế cơ bản. Đây là dịch vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe cho người dân theo quy định của Luật BHYT mà đến nay chưa có. Thứ tư, cần hoàn chỉnh công khai minh bạch, đầy đủ phác đồ hướng dẫn điều trị chuẩn.

Thứ năm, cần rà soát tổng thể quy hoạch hệ thống khám, chữa bệnh từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế đến nhân lực. Cần sắp xếp lại phù hợp để người dân dễ tiếp cận và có chất lượng khám, chữa bệnh tốt ngay từ cấp ban đầu (trạm y tế xã). “Theo tôi, quy hoạch để tránh tình trạng, một khu vực tập trung nhiều BV có chức năng giống nhau hay phân bổ trang thiết bị để không phải BV nào cũng đầu tư mua máy xét nghiệm hiện đại. Thủ tướng đã chỉ đạo, trước tháng 10/2025, phải liên thông dữ liệu giữa các cơ sở với nhau để giảm làm xét nghiệm cho người dân, theo Chỉ thị 07 ngày 14/4/2023”, ông Hòa giải thích.

Thứ sáu, nhân lực y tế phải được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao và đáp ứng đủ cho các cơ sở. Nếu ở tuyến cơ sở, bệnh nhân được hưởng chất lượng điều trị tốt, từ các bác sĩ giỏi chuyên môn thì mới tránh quá tải tuyến trên. Muốn nâng cao chất lượng thầy thuốc, nhân lực y tế đòi hỏi cơ chế tiền lương, tiền công cho đội ngũ y, bác sĩ để họ tập trung chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong vấn đề khám và điều trị.

“Chủ trương miễn viện phí rất nhân văn, nhưng đi kèm với nó là chất lượng khám, chữa bệnh phải bảo đảm, phải được nâng lên chứ không phải miễn viện phí như làm từ thiện. Muốn vậy, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ thêm quỹ BHYT. Để cân đối quỹ, phải chú trọng kiểm tra, giám sát. Cần có cơ chế quản lý giám sát phân bổ chặt chẽ, để tránh thất thoát, lạm dụng dịch vụ. Cần thiết phải xây dựng hệ số mã hóa sức khỏe nhân dân, dữ liệu y tế điện tử bảo đảm vận hành minh bạch, theo Đề án 06 của Chính phủ”, ông Hòa đề xuất.

PGS, TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ rộng rãi từ nhân dân, mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân là hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ được tổ chức thực hiện hiệu quả!”.