Dấu ấn Chăm nơi đại ngàn (Kỳ 3)

Những chứng tích, sử liệu, huyền thoại, văn nghệ dân gian đã thể hiện sự hiện hữu của người Chăm đối với Tây Nguyên. Đó là những chỉ dấu vô cùng thú vị, cho thấy sự gắn bó của một tộc người ở miền duyên hải vốn là cư dân của một vương triều từ trong quá khứ đã có quá trình giao lưu mật thiết lâu đời với các sắc dân trên vùng thượng du.  

Người Chu Ru có nhiều nét văn hóa tương đồng với người Chăm.
Người Chu Ru có nhiều nét văn hóa tương đồng với người Chăm.

Kỳ 3: Khúc quanh lịch sử

Chu Ru và Chăm, một mối thâm tình 

Ông Inrasara - nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, trong một tác phẩm của mình, cho rằng: Có một dòng Chăm gọi là Chăm Chu Ru. Ông đưa ra lý giải, vào thế kỷ XIX, các cuộc khởi nghĩa chống triều đình của vua Minh Mạng thất bại, một nhánh đồng bào Chăm kéo lên vùng nam Lâm Đồng lánh nạn, họ sống lẫn với các sắc dân bản địa. Ông Inrasara cho rằng, nhánh Chăm này chính là người Chu Ru hiện nay. Theo chúng tôi, nhận định của ông Inrasara chưa có căn cứ xác đáng về mặt lịch đại, bởi cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi diễn ra vào năm 1831, trong khi đó, tộc người Chu Ru tại vùng nam Tây Nguyên vốn có lịch sử quần cư ở khu vực hạ nguồn sông Đa Nhim trước thời điểm này khá xa…

Giữa đồng bào hai dân tộc Chăm và Chu Ru có một mối quan hệ hết sức gần gũi, thân thuộc và khó lý giải. Trong đó, sự ủy thác thiêng liêng về việc thờ cúng và bảo vệ những báu vật thiêng liêng của tổ tiên giữa người Chăm với người Chu Ru là một minh chứng. Những báu vật của triều đại Chăm Pa tuy đã bị mai một, nhưng hai ngôi đền Krayo và Sópmadronhay thì vẫn còn đó. Đồng bào Chu Ru vẫn trọn mối thâm tình, suốt hàng trăm năm qua, vẫn không lãng quên trách nhiệm thờ cúng hoàng thất Chăm Pa.  

Chúng tôi cũng đã tiến hành nhiều cuộc điền dã về với đồng bào Chu Ru cư trú tại các huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) để tiếp nhận sâu sắc hơn về mối dây liên hệ giữa người Chu Ru và người Chăm. Người Chu Ru quần cư ở triền thấp nhất của miền Tây Nguyên và họ có một số phận lịch sử đặc biệt. Quả thật, tộc người này đã trải qua những thăng trầm dâu bể, cũng giống những ngọn núi xứ sở nối dài về biển, hình như họ có cội rễ sâu xa đâu đó dưới đồng bằng. Ông Ya Loan, một người Chu Ru đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của tộc người mình, lý giải tôi nghe về nguồn gốc của tổ tiên ông: “Trong ngôn ngữ xưa, từ “churu” có nghĩa là “người xâm đất”. Tổ tiên chúng tôi có lẽ là người miền biển. Vào thời nào đó thuộc đế chế Chăm Pa, họ đã phải dứt áo khỏi bản quán, cố hương”. Từ gợi mở của ông Ya Loan, chúng tôi giả thiết, có một biến động nào đó trong lịch sử mà ông bà của người Chu Ru đã phải rời bỏ vương quốc để tìm đến nương náu trên miền núi cao này. Có lẽ bởi gốc gác đó mà người Chu Ru bây giờ vẫn nói được tiếng Chăm, giỏi dẫn thủy nhập điền làm ruộng nước, giỏi đánh cá, biết tìm đất sét tốt nặn và nung gốm, biết đúc nhẫn bạc, biết mang hàng hóa sản vật đi buôn bán khắp nơi. Những nghề đó, không phải là thế mạnh của nhiều tộc người bản địa Tây Nguyên. Có một điều thú vị, ông Ya Loan và ông Ya Ga ở xã Tu Tra đều kể về những cuộc “Nau drà” (đi chơi chợ) của người Chu Ru. Những chuyến đi của họ dài hằng tháng trời, lội suối băng rừng, vừa đi vừa chơi, vừa tìm cái ăn vừa tìm cái bán. Hướng họ tìm về là Phan Rang, Phan Thiết. Phải chăng, từ những chuyến về đồng bằng như thế, người Chu Ru thỏa nỗi nhớ biển từ trong tâm thức, cái nhớ cội nguồn mà ngày xưa tổ tiên họ rời bỏ để làm cánh chim thiên di mang theo số phận tộc người lên rừng núi xa xôi. 

So với người Mạ, Cơ Ho, Mơ Nông, Ê Đê…tụ cư lâu đời, người Chu Ru là thành viên mới của Tây Nguyên. Chắc vì nguyên cớ đó mà các tộc khác gọi Chu Ru là “người xâm đất”, ý nói là dân mới đến từ nơi khác, mà theo giả thiết cũng cách đây cỡ ba, bốn thế kỷ. Ông Ya Ga cũng nói: “Các cụ xưa kể rằng, tổ tiên chúng tôi thuộc một nhóm con cháu người Chăm”. Tôi lật tư liệu, nhân chủng học chứng minh, người Chu Ru và người Chăm đều thuộc chủng tộc Austronesia, cùng chung ngôn ngữ Malayo-Polynesia thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Trang phục, nhạc cụ, truyện cổ, trường ca, dân ca, dân vũ Chăm và Chu Ru cũng thể hiện rõ mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa hai tộc người. Truyền thuyết của người Chu Ru cũng kể, một thời binh lửa can qua, các vị vua Chăm và gia tộc từng bị truy đuổi. Trên bước đường lưu lạc, họ đã chọn miền đất của người Chu Ru để gửi thân nương náu, để ủy thác thờ cúng và trông coi bảo vật tổ tiên. Phải chăng, bởi tình thân cội rễ nên có sự tin cậy trao gửi?... 

Trong một bài viết về xứ Dran xưa, nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng có lý khi phân tích: “Con đường nối cao nguyên Lang Bian với thung lũng sông Cái - thuộc Ninh Thuận, trước kia là một lộ trình heo hút vượt qua những dốc núi dựng đứng, rừng thiêng nước độc. Nhưng với người Chăm ở vùng duyên hải Phan Rang, Phan Rí thì đó là mật đạo quyết định sự sinh tử của cộng đồng khi sắc dân này bị những thế lực xâm nhập dồn vào thế cùng. Người Chăm gọi Dran thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng ngày nay là Padrang. Vào thế kỷ XIX, vùng Dran chính là cứ điểm khi người Chăm ở Phan Rí, Phan Rang lui về đây trú ẩn và gây dựng lại lực lượng mỗi khi bị nhà Nguyễn dồn vào thế cùng. Điều này lý giải vì sao tộc người Chu Ru ở vùng Dran xưa lại thấm sâu văn hóa Chăm, từ kỹ nghệ làm gốm cho đến dệt thổ cẩm, tín ngưỡng và ngôn ngữ…”.

Ngược lại, trong dân gian Chăm còn lưu truyền một bản Ariya (trường ca) kể về một thủ lĩnh Chăm là Damnưy Ppo Pan lên vùng Chu Ru ở vùng hạ nguồn sông Đa Nhim thay vì nuôi chí phục quốc thì lại có đời sống phóng đãng với các cô gái Chu Ru, đức hạnh trượt dài, sự nghiệp trôi mất…

Qua nguồn sử liệu

Trở lại với lịch sử Tây Nguyên. Các sử liệu cho thấy, vào những thế kỷ sau Công nguyên, trên địa bàn Tây Nguyên đã diễn ra nhiều sự tranh chấp giữa các thế lực phong kiến lân bang như Chân Lạp, Phù Nam, Lào, Xiêm La, Chăm Pa. Cũng trong thời gian này, đã diễn ra những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa cư dân bản địa Tây Nguyên với cư dân Phù Nam, Chân Lạp, Đại Việt, Chăm Pa, đặc biệt là quan hệ với những người Lào, người Chăm và Khmer láng giềng gần gũi lâu đời trên nhiều phương diện. Nếu như, một bộ phận cư dân khu vực bắc và trung Tây Nguyên qua giao lưu rồi tiếp nhận từ người Lào một số kỹ thuật khai thác gỗ rừng, canh tác lúa nước, thuần dưỡng voi… thì một bộ phận cư dân khu vực nam Tây Nguyên tiếp nhận từ người Chăm một số kỹ thuật khai thác dược liệu và hương liệu, làm thủy lợi, làm gốm và dệt vải…

Các tài liệu lịch sử cũng ghi nhận, quá trình hình thành nhà nước Chăm Pa được diễn ra từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tương đối thống nhất về một nhận định rằng, nhà nước Chăm Pa đương thời không phải là một nhà nước tập quyền, mà là một quốc gia theo chế độ mẫu hệ; quốc gia này tồn tại trong lịch sử không phải là quốc gia thuần nhất mà là một “liên bang”. Theo đó, trong lãnh thổ của nhà nước Chăm Pa đương thời có lãnh thổ của các thành phần dân tộc bản địa Tây Nguyên; cư dân Tây Nguyên cũng nằm trong thành phần dân cư Chăm Pa lúc đó. Thế nhưng, có một thực tế lịch sử là, trong khi những công xã của tộc người Chăm sớm có nhiều biến đổi và phát triển, thì cho đến nhiều thế kỷ tiếp sau, các công xã của cư dân bản địa Tây Nguyên vẫn chậm chạp vận hành trong khuôn khổ của xã hội nguyên thủy, dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp sơ khai, cùng các hoạt động săn bắt, hái lượm và một số nghề thủ công đơn giản.

Các công xã của cư dân bản địa Tây Nguyên đương thời tuy ở nhiều bậc thang phát triển khác nhau thuộc loại hình công xã nguyên thủy, nhưng đều duy trì những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phong phú và đặc sắc theo quan niệm “vạn vật hữu linh” mà không hề bị ảnh hưởng của tôn giáo ngoại lai như ở cộng đồng người Chăm. Nhà nước Chăm Pa cũng đã không thể can thiệp vào thiết chế xã hội cổ truyền của cư dân bản địa Tây Nguyên, mặc dù nhiều sử liệu cho biết, quân đội Chăm Pa đã từng có mặt trên địa bàn Tây Nguyên trong nhiều thời kỳ và người Chăm đã tiến hành xây dựng trên lãnh thổ Tây Nguyên nhiều công trình kiến trúc. Vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, các bi ký Chăm Pa cũng đã ghi chép về Tây Nguyên và hoạt động của các vương triều Chăm Pa đã để lại một số dấu vết văn hóa trên lãnh thổ Tây Nguyên, như: phù điêu và tượng Phật ở Dak Đoak, các phế tích ở Kon Klor, Kon Hơngo, Plơiwae, Kon Jơdri (Kon Tum); phù điêu tượng trí sĩ ở Dak Bằng huyện Krông Pa, phù điêu tượng Phật ở Ayun Pa, những tháp Yan Mun, Dranglai ở gần Cheo Reo (Gia Lai); tháp Rasungbatau ở Buôn Mê Thuột, tháp bằng đất nung ở Ea Rốc, tháp Yang Prong ở Ea Súp, tháp Hòa Thành ở K’rông Bông (Đắk Lắk). Vào thế kỷ X, tên gọi của tộc người Ê Đê, một tộc người bản địa sống lâu đời tại Đắk Lắk đã được ghi trên bi ký Chăm; cũng từ đầu thế kỷ XII, sử ghi nhận quân đội Chăm Pa đã từng mở đường hành quân tới thung lũng sông Ba rồi đóng tại Tây Nguyên…

Trên địa bàn Lâm Đồng, đã phát hiện được những phế tích gạch đá như đền, tháp, đài thờ, mộ táng, tượng đá có niên đại khoảng từ thế kỷ V đến thế kỷ X sau Công nguyên, cùng nhiều miếng vàng mỏng có khắc hình các vị thần theo Ấn Độ giáo và hình các động vật. Đặc biệt, di tích Cát Tiên tại vùng đầu nguồn sông Đồng Nai từng ngày lại phát lộ nhiều hơn những phế tích và hiện vật thể hiện mối quan hệ sâu sắc các nền văn minh vào thời cổ đại…

* * *

Lịch sử có nhiều khúc quanh co, theo dòng chảy bất tận của thời gian, mỗi tộc người cũng trải qua những uẩn khúc và biến động. Chưa có nhiều những dữ liệu để phản ánh kỹ càng và đầy đủ hơn, bài viết ngắn về những dấu tích Chăm Pa trên miền thượng du Tây Nguyên xin được khép lại. Chúng tôi chưa dám khẳng định những điều to tát mà coi đây như một sự gợi mở đối với những ai quan tâm đến câu chuyện khó kể nhưng khá thú vị này…