Đạo luật đầu tiên của châu Âu về tiền điện tử

Ngày 20/4 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EUC) đã thông qua Đạo luật Thị trường tiền điện tử (MiCA) đầu tiên. MiCA được coi là khung pháp lý toàn diện nhất cho các tài sản kỹ thuật số từ trước đến nay. Sự chấp thuận của EP mở đường cho MiCA chính thức được ban hành vào đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đồng tiền điện tử sẽ bị giám sát chặt chẽ tại châu Âu. Ảnh: GETTY
Nhiều đồng tiền điện tử sẽ bị giám sát chặt chẽ tại châu Âu. Ảnh: GETTY

Khuôn khổ chung quản lý tiền điện tử

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 20/4, EP và EUC đã thông qua MiCA với 517 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Đây là khung quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm điều chỉnh ngành công nghiệp tiền điện tử. Đạo luật này cùng với đề xuất về chế độ thí điểm Thị trường công nghệ sổ cái phân tán (DLT) là một phần của gói tài chính kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm chiến lược mới về tài chính kỹ thuật số với mục đích bảo đảm rằng EU tiếp cận nhanh với cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng châu Âu và các doanh nghiệp.

Tiền điện tử là một trong những ứng dụng chính của công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong lĩnh vực tài chính. Sau sự tăng trưởng mạnh về vốn hóa thị trường của tài sản tiền điện tử năm 2017, vào tháng 3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Kế hoạch hành động Fintech để xem xét cơ hội và thách thức do tài sản tiền điện tử mang lại.

Theo đánh giá của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) và Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA), hầu hết tài sản tiền điện tử nằm ngoài phạm vi của Luật Dịch vụ tài chính của EU và do đó không phải tuân theo các quy định về bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư. Ngoài ra, một số quốc gia thành viên EU gần đây đã ban hành luật liên quan tài sản tiền điện tử dẫn đến thiếu tính đồng nhất trong việc thực thi. Hơn nữa, sự xuất hiện của đồng tiền ổn định (stablecoin) đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và nhà quản lý trên toàn thế giới.

Mặc dù thị trường tài sản tiền điện tử vẫn có quy mô nhỏ và hiện chưa gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai với sự ra đời của “stablecoin toàn cầu”. Để giải quyết những vấn đề này, MiCA đã được thông qua để tạo ra một khuôn khổ chung cho cả thị trường tài sản tiền điện tử, cũng như mã hóa các tài sản tài chính truyền thống.

MiCA nhằm điều chỉnh các tài sản tiền điện tử nằm ngoài Luật Dịch vụ tài chính hiện hành của EU, cũng như các mã thông báo (token) tiền điện tử gồm bốn mục tiêu quan trọng. Đầu tiên là sự hoàn chỉnh về mặt pháp lý. Để thị trường tài sản tiền điện tử phát triển trong EU, cần thiết lập một khung pháp lý hợp lý cho các tài sản tiền điện tử mà không được quy định trong Luật Dịch vụ tài chính hiện hành. Tiếp đến là thúc đẩy sự phát triển của tài sản tiền điện tử và việc sử dụng DLT rộng rãi bằng cách thiết lập một khuôn khổ an toàn và cân bằng. Thứ ba là bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng như tính ổn định của thị trường tài chính do tài sản tiền điện tử tiềm ẩn rủi ro tương tự các công cụ tài chính khác. Cuối cùng là bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính, bao gồm các biện pháp bảo vệ để giải quyết những rủi ro tiềm ẩn khi tài sản tiền điện tử liên tục phát triển với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là sự ra đời của các stablecoin được chấp nhận rộng rãi và có khả năng mang tính hệ thống. Việc áp dụng đạo luật này ban đầu được dự kiến vào giữa năm 2023, song bị trì hoãn sang năm 2024 vì cần thời gian để thử nghiệm các biện pháp phụ trợ trước khi áp dụng MiCA.

Nâng cao tính minh bạch và bảo vệ khách hàng

Về phạm vi điều chỉnh: Phần lớn các tài sản tiền điện tử chưa được điều chỉnh bởi các quy định khác (như mã thông báo bảo mật hoặc tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh bởi MiCA, bao gồm tài sản tiền điện tử, token tiền điện tử, token tham chiếu tài sản được phát hành ra công chúng. Các quy tắc của đạo luật sẽ áp đặt một số yêu cầu đối với các nền tảng tiền điện tử, nhà phát hành token và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan về tính minh bạch, công bố thông tin, ủy quyền và giám sát giao dịch. Người tiêu dùng sẽ có những thông tin minh bạch, cụ thể hơn về các rủi ro, chi phí và lệ phí có liên quan.

Về phía tổ chức phát hành tài sản tiền điện tử: Các nhà phát hành thuộc phạm vi của MiCA, cụ thể là những người cung cấp tài sản tiền điện tử cho bên thứ ba, có thể phải tuân theo một số nghĩa vụ, như phải có bản cáo bạch theo quy định khi chào bán công khai; phải có quyền phát hành tài sản tiền điện tử từ các cơ quan liên quan; tuân thủ những quy tắc tiếp thị tài sản tiền điện tử ra công chúng; hành động trung thực, công bằng và chuyên nghiệp đối với những người nắm giữ tài sản tiền điện tử.

Trong đó, các nền tảng phải thông báo cho người dùng về những rủi ro liên quan việc chào bán ra công chúng. Các stablecoin như Tether (USDT) và USDC của Circle sẽ được yêu cầu duy trì lượng dự trữ tài sản phù hợp để đáp ứng các yêu cầu thanh khoản trong trường hợp rút tiền hàng loạt. Các stablecoin có quy mô quá lớn có thể bị giới hạn giao dịch ở mức 200 triệu euro (220 triệu USD) mỗi ngày. Cơ quan ESMA có thể can thiệp và cấm hoặc hạn chế các nền tảng tiền điện tử nếu không bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hoặc đe dọa đến sự ổn định của thị trường tài chính. Để bảo vệ môi trường, các công ty phát hành phải cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng cũng như tác động của tài sản tiền điện tử đối với môi trường.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử: Một số dịch vụ như hoạt động lưu ký, quản lý hoặc tư vấn đầu tư tài sản tiền điện tử... sẽ được MiCA quản lý và giám sát. Các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử sẽ được cấp phép, trong đó có một số ưu đãi nhất định đối với những nhà cung cấp tại châu Âu.

Đối với việc phòng, chống rửa tiền và ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp: Các hoạt động với tài sản tiền điện tử sẽ được theo dõi như cách chuyển tiền truyền thống nhằm ngăn chặn những giao dịch đáng ngờ, bảo vệ khách hàng, chống thao túng thị trường và tội phạm tài chính. Khái niệm “quy tắc dịch chuyển” sẽ được áp dụng đối với việc chuyển tài sản tiền điện tử. Thông tin về nguồn gốc của tài sản và người thụ hưởng sẽ được lưu giữ trong giao dịch. MiCA sẽ điều chỉnh các giao dịch trên 1.000 euro trong các ví điện tử khi giao dịch với các ví điện tử khác do nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử quản lý.

Theo ông Stefan Berger, thành viên EP, việc thông qua MiCA sẽ đưa EU dẫn đầu trong quản lý nền kinh tế số với hơn 10.000 tài sản tiền điện tử khác nhau và quy mô lên đến hơn 1.000 tỷ USD. Ông Ernest Urtasun, báo cáo viên của Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ về chuyển giao tài sản tiền điện tử cho biết: “Hiện tại, các dòng tài sản tiền điện tử bất hợp pháp được di chuyển nhanh chóng trên khắp thế giới, với khả năng cao là không bị phát hiện”. MiCA sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử phát hiện và ngăn chặn các luồng tiền điện tử tội phạm, đồng thời bảo đảm rằng tất cả công ty tiền điện tử đều phải tuân theo đầy đủ các nghĩa vụ chống rửa tiền. Điều này sẽ ngăn chặn lỗ hổng trong Khuôn khổ phòng, chống rửa tiền (AML) của EU.