Dai dẳng vấn đề người di cư Trung Mỹ

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), ít nhất 728 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích ở biên giới giữa Mexico và Mỹ trong năm 2021, đánh dấu “năm chết chóc nhất” kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu. Mỹ cùng các quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng người di cư vốn dai dẳng suốt nhiều năm qua.

0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm người di cư bất hợp pháp đang tìm cách vượt biên vào Mỹ. Ảnh: CNN
Một nhóm người di cư bất hợp pháp đang tìm cách vượt biên vào Mỹ. Ảnh: CNN

Những con số báo động

Trong một báo cáo công bố trên trang chính thức Iom.int, IOM cho biết, năm 2021 cũng là năm có số người di cư bất hợp pháp nhiều nhất ở châu Mỹ kể từ năm 2014, với hơn 1.238 người tử vong hoặc mất tích, trong đó có ít nhất 51 trẻ em. Theo dữ liệu của IOM, ít nhất 728 người thiệt mạng hoặc mất tích trên đường biên giới giữa Mỹ và Mexico, biến khu vực này thành “đường bộ chết chóc” nhất trên thế giới. Năm 2020, IOM ghi nhận 476 trường hợp người di cư thiệt mạng hoặc mất tích ở biên giới giữa Mexico và Mỹ, tăng 39% so một năm trước đó.

Edwin Viales, đồng tác giả của báo cáo về người di cư ở châu Mỹ năm 2021 của IOM cho biết, số người chết ở biên giới Mỹ-Mexico năm ngoái cao hơn đáng kể so bất kỳ năm nào trước đó, ngay cả thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Chuyên gia của IOM nhận định, xu hướng gia tăng này là do nhiều quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh vẫn chưa được dỡ bỏ, khiến người di cư, vốn đã không có nhiều lựa chọn, đổ xô đi theo những con đường ngày càng nguy hiểm hơn, như các tuyến đường biển ở Caribe, đường bộ ở Trung Mỹ qua rừng rậm Darien, những tuyến đường ở Bắc Trung Mỹ, nơi thường xảy ra tai nạn với các phương tiện chở người di cư, hay băng qua sông Bravo chạy dọc biên giới Mexico-Mỹ.

Hồi đầu tháng 6/2022, một đoàn người di cư khoảng 6.000 người, trong đó phần lớn là người ở khu vực Trung Mỹ, đã xuất phát từ thành phố Tapachula, bang Chiapas của Mexico, giáp biên giới với Guatemala, để tìm đường tới Mỹ. Đây là đoàn người di cư thứ bảy và lớn nhất được hình thành kể từ đầu năm đến nay từ biên giới phía nam của Mexico. Đáng chú ý, đoàn người di cư hình thành đúng thời điểm bắt đầu Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) diễn ra tại thành phố Los Angeles của Mỹ, khi các nhà lãnh đạo khu vực tập trung bàn về vấn đề di cư.

Tăng cường các nỗ lực chung

Tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động được xem là chìa khóa để giải quyết tận gốc rễ nạn di cư bất hợp pháp từ các nước nghèo ở Mỹ latin tìm đường đến Mỹ. Năm 2021, Nhà trắng từng công bố quỹ hỗ trợ 1,2 tỷ USD nhằm tạo cơ hội làm kinh tế tại những nước nghèo như El Salvador, Guatemala và Honduras.

Tuy nhiên, làn sóng người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ vẫn liên tục tăng cao thời gian qua, chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ. Tổng thống Mexico Lopez Obrador cho rằng, dòng người di cư từ khu vực Mỹ latin là hệ quả của những điều kiện khó khăn tại các nước trong khu vực. Tổng thống Mexico kêu gọi các nước châu Mỹ hợp tác để xử lý vấn đề này, đặc biệt kêu gọi Mỹ hỗ trợ các dự án tạo việc làm. Tổng thống Obrador nhiều lần hối thúc Mỹ triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trị giá bốn tỷ USD như đã cam kết tại khu vực Trung Mỹ và miền nam Mexico.

Hôm 10/6, lãnh đạo 20 nước tham gia Hội nghị cấp cao OAS lần thứ chín tại Los Angeles (Mỹ) thông qua tuyên bố chung, trong đó khẳng định cam kết phối hợp trong vấn đề di cư. Điểm nhấn trong cam kết này là việc Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khoản hỗ trợ khoảng 65 triệu USD để ủng hộ việc tuyển dụng người nhập cư làm việc hợp pháp theo thời vụ tại các nông trang ở Mỹ. Tổng thống Biden kiên quyết phản đối nhập cư bất hợp pháp, hành động mà ông nhấn mạnh là nguy hiểm, đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ bảo đảm an ninh biên giới thông qua những biện pháp sáng tạo và có sự phối hợp với các đối tác trong khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao OAS, Mỹ và Mexico công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm đem lại việc làm tạm thời cho người di cư từ Trung Mỹ đến Mexico, cũng như cơ chế cải thiện điều kiện lao động và tăng cấp thị thực cho công dân và người di cư vị thành niên ở cả hai nước. Mexico cùng Chính phủ Guatemala lên kế hoạch triển khai chương trình hợp tác lao động để đem lại việc làm cho 15.000-20.000 người di cư từ Guatemala sang Mexico mỗi năm, với định hướng mở rộng sang cả Honduras và El Salvador. Chính phủ Mexico cũng sẽ tăng cường cấp thị thực cho người lao động ở biên giới, với mục tiêu tăng từ 10.000 lên 20.000 thị thực mỗi năm. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sẽ hỗ trợ cả hai chương trình, nhằm tăng cường tuyển dụng lao động hợp pháp, song song quy trình xin thị thực từ Bắc Trung Mỹ và củng cố việc giám sát quyền của người lao động.

Ngày 7/6, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã công bố các cam kết trị giá 1,9 tỷ USD về tạo việc làm trong khối doanh nghiệp tư nhân nhằm giảm số người di cư từ Trung Mỹ qua Mexico tới Mỹ. Cụ thể, tập đoàn Visa cam kết đầu tư 270 triệu USD trong vòng 5 năm nhằm tạo điều kiện cho một triệu doanh nghiệp và 6,5 triệu người tiêu dùng tại các nước tham gia hệ thống tài chính chính thức. Chi nhánh Bắc Mỹ của công ty sản xuất linh kiện ô-tô Yazaki của Nhật Bản cam kết khoản đầu tư 110 triệu USD và tuyển dụng hơn 14.000 lao động mới tại các nước Guatemala và El Salvador. Nhiều công ty cũng đưa ra những cam kết tương tự, trong đó có hãng thời trang GAP hay công ty viễn thông Millicon có kế hoạch chi 700 triệu USD để mở rộng hệ thống di động và băng thông rộng tại các nước Trung Mỹ.

Tại Diễn đàn đánh giá di cư quốc tế (IMRF) được tổ chức vào tháng 5/2022, Đại hội đồng LHQ đã tái khẳng định trách nhiệm tập thể trong việc bảo vệ mạng sống của tất cả những người di cư và hành động để ngăn chặn thiệt hại về sinh mạng của người di cư, trong bối cảnh hàng nghìn người di cư tiếp tục thiệt mạng hoặc mất tích mỗi năm dọc theo các tuyến đường nguy hiểm trên đất liền và trên biển trong hành trình nỗ lực di cư.

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cảnh báo, cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do căng thẳng tại Ukraine có nguy cơ làm tăng số người di cư tại các nước nghèo, khiến số người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán tiếp tục tăng cao. Cuộc khủng hoảng đã làm tình hình thêm trầm trọng, khi khiến số người di cư trên thế giới lần đầu vượt mốc 100 triệu người. Do đó, cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động để giải quyết, chấm dứt xung đột và tìm ra giải pháp lâu dài, nếu không xu hướng này sẽ còn kéo dài.

Để nâng cao mức độ an toàn cho những người di cư, IOM cho rằng, các chính phủ cần thiết lập các cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và hệ thống hóa dữ liệu về người di cư thiệt mạng, cũng như xây dựng chính sách công về di cư đồng bộ, hài hòa, đặc biệt là phù hợp Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Các chính phủ cũng cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho thân nhân tìm kiếm người di cư, thay vì hình sự hóa những nỗ lực này. Bên cạnh đó, cần tăng cường truy quét tội phạm buôn người và nâng cấp các trạm kiểm soát an ninh biên giới để nâng cao hiệu quả kiểm tra các phương tiện. Các biện pháp cần thiết khác bao gồm nâng cao hiệu suất các cảng nhập cảnh cho người tị nạn, cho phép họ đưa ra yêu cầu bảo vệ trong điều kiện an toàn mà không phải tìm đến tội phạm buôn người; hình thành con đường pháp lý an toàn, dễ tiếp cận cho người di cư nhập cảnh và làm việc hợp pháp ở quốc gia đích đến.