Đã không giúp thì đừng xuyên tạc, bịa đặt!

Đúng thời điểm vải thiều vào mùa thu hoạch thì Việt Nam phải hứng chịu đợt bùng phát thứ tư đại dịch Covid-19. Vì thế, nhiều nguy cơ 28.000 ha với sản lượng khoảng 180.000 tấn ở Bắc Giang, gần 9.200 ha với sản lượng khoảng 55.000 tấn ở Hải Dương sẽ đứng trước tình thế khó khăn để có thể lưu thông trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trước sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và chính bản thân những người trồng vải những ngày qua, tin vui liên quan tới vải thiều đã khiến phần nào vợi bớt nỗi lo. Ngoài thị trường truyền thống, vải thiều của Việt Nam đã có mặt tại Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Đức, Singapore, Thái-lan, Campuchia… Và ở trong nước, theo tinh thần “Ủng hộ nông sản Việt”, vải thiều được người trồng vải, chính quyền, các doanh nghiệp phối hợp thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, cho lên “kệ” từ bắc vào nam, bảo đảm không ảnh hưởng đến giá “đầu ra” tại nơi sản xuất, phù hợp túi tiền của người tiêu thụ… Vậy mà trong bối cảnh đó, vẫn có một số kẻ như không muốn góp sức và chung vui với người trồng vải, mà bịa chuyện “Nhà nước mặc người trồng vải tự lo”, rồi phao tin đồn nhảm rằng “quả vải mang theo Covid-19”! 

Trên thực tế, để bảo đảm chất lượng mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu khắt khe của thị trường nước ngoài, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã sớm phối hợp triển khai nhiều vùng trồng vải theo quy trình GlobalGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, gồm toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ thức ăn, giống, nuôi trồng,… đến khi sản phẩm rời trang trại) hoặc theo VietGAP (quy định thực hành sản xuất tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam, gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe  người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Trước mùa thu hoạch, chính quyền các vùng trồng vải bị ảnh hưởng của Covid-19 đã chủ động nhiều phương án, kịch bản tiêu thụ như: xây dựng vùng vải thiều không Covid-19 (cá nhân F1 được cách ly tập trung, vùng vải không có khu cách ly; kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào để khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh; xét nghiệm Covid-19 nhanh với lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua…); kết nối với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại giúp tiêu thụ; đặc biệt là đã hình thành một quy trình phối hợp, liên kết chặt chẽ để ngay sau khi thu hoạch, vải sẽ nhanh chóng được xông hơi, khử trùng, đóng gói trong sự kiểm soát rất chặt chẽ, vận chuyển bằng đường bộ và đường không để vải được xuất khẩu nhanh, bảo đảm chất lượng. Thậm chí nếu không tiêu thụ kịp thời, các địa phương đã chuẩn bị cả phương án sấy khô.

Đó là kết quả từ nỗ lực rất lớn của chính quyền, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người trồng vải. Đó là sự thật không thể xuyên tạc. Đó cũng là lý do để người trồng vải cho rằng đến nay không còn cần dùng từ “giải cứu” đối với vải thiều. Vì thế, phải thẳng thắn chỉ rõ bản chất của thứ luận điệu xuyên tạc vấn đề này là vô trách nhiệm, vô lương tâm, mà mục đích là không muốn đất nước vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển, khiến dư luận nghi ngờ, làm hại người sản xuất.