Các công ty khởi nghiệp mới nổi
Những chính sách ưu tiên doanh nghiệp chuyển dịch sang sử dụng nhiên liệu phi truyền thống đã tạo ra một làn sóng các công ty sản xuất xe ô-tô điện mới thành lập ở Mỹ. Tesla là một trong các minh chứng rõ rệt đi đầu làn sóng này. Được thành lập năm 2003, đến nay đã có thể xem công ty 18 năm tuổi này là đối thủ “nặng ký” khi so sánh với những “ông trùm” của ngành công nghiệp ô-tô tại châu Âu như BMW, Mercedes…
Tesla hiện nằm trong nhóm nhà sản xuất ô-tô hàng đầu thế giới. Một số mẫu xe điện phổ biến của Tesla thậm chí bán chạy hơn cả xe truyền thống ở phân khúc khách hàng trẻ. Khi các công ty xe hơi truyền thống còn đang chậm chạp chuyển mình, một nhóm công ty khởi nghiệp đã dần nổi lên trong ngành sản xuất lắp ráp xe điện và đi theo hướng của Tesla, tranh thủ thị trường ngách để phát triển xe chạy bằng pin.
Nhiều thay đổi đang diễn ra với ngành sản xuất ô-tô khi không ít nhà sản xuất đã công bố ý định ngừng hoặc cắt giảm sản xuất ô-tô chạy bằng khí đốt và động cơ diesel trong vòng 20 năm tới. Một xu hướng toàn cầu nhắm đến mục tiêu sử dụng phương tiện không phát thải, trong đó chủ yếu là xe điện và đây cũng được xem là tương lai của ngành công nghiệp ô-tô.
Chuyên gia Sandra Wappelhorst của Hội đồng quốc tế về giao thông sạch cho rằng: “Ngày càng nhiều quốc gia công bố mục tiêu loại bỏ dần các phương tiện động cơ đốt trong ở cấp quốc gia, đây là cơ hội của các phương tiện chạy bằng năng lượng mới”. Tại Mỹ, một số bang đã kêu gọi giảm số lượng bán xe chạy bằng xăng, dầu xuống còn 50%, còn lại là dành cho ô-tô chạy điện. Một số bang như California, Massachusetts đã lên kế hoạch chấm dứt việc bán xe chạy bằng xăng trong vòng 15 năm tới.
Một bài viết trên tờ The New York Times của Mỹ nhận định, trong phần lớn thế kỷ trước, nhắc đến ngành công nghiệp ô-tô ở Mỹ là nhắc đến việc suy tàn hay ngừng hoạt động nhiều hơn là khởi nghiệp. Hàng loạt thương hiệu lừng lẫy một thời như Saab, Pontiac hay Plymouth đều đã biến mất hoặc không còn nhiều chỗ đứng. Song, sự ra đời của ô-tô điện đã tạo cơ hội hiếm có cho các công ty mới ra đời thách thức các tập đoàn xe hơi lâu đời. Các start-up hiện nay cũng ít gặp khó khăn hơn so với trước đây, vì thiết kế và chế tạo ô-tô điện dễ hơn so ô-tô có động cơ đốt trong, do chúng có ít linh kiện, phụ tùng hơn.
Tuy nhiên, chế tạo xe hơi vẫn là lĩnh vực khó khăn và đòi hỏi đầu tư lâu dài. Một số công ty khởi nghiệp đã thử thăm dò thị trường và ngừng dự án phát triển xe điện giữa chừng, như trường hợp của hãng Dyson - thương hiệu vốn nổi tiếng với dòng máy sấy, máy hút bụi. Trong khi đó, các công ty xe điện thành công đã chinh phục khách hàng với thiết kế trẻ trung, lợi thế về công nghệ hoặc phát triển tập trung tại thị trường rộng lớn như ở Trung Quốc, đã dần tạo ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực mới mẻ này.
Phản ứng của các tập đoàn ô-tô lâu đời
Trước “cơn lốc” xe điện hóa mạnh mẽ, nhiều tập đoàn ô-tô lâu đời đã vội vã bắt nhịp. Từ giữa năm nay, thương hiệu ô-tô lâu đời nhất thế giới Mercedes-Benz của Đức đã công bố lộ trình từ bỏ sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong. Từ năm 2022, hãng này sẽ cung cấp biến thể xe điện chạy pin cho tất cả các dòng sản phẩm, tiến tới toàn bộ xe mới sẽ là sản phẩm chạy điện vào năm 2025. Tương tự, hãng xe đồng hương Audi cũng công bố chiến lược mới, trong đó khẳng định dừng bán các sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong kể từ năm 2026, thay vào đó sẽ là các dòng xe điện, hoặc xe lai.
Xu hướng điện hóa mạnh mẽ đang mở ra viễn cảnh về tương lai ngành công nghiệp ô-tô ở Mỹ. Dù vậy, mọi nhà phát triển xe điện đều hiểu rằng, tầm quan trọng của chuỗi cung ứng pin đối với xe điện cũng như xăng, dầu với xe truyền thống. Bất kỳ nhà sản xuất ô-tô nào muốn bán xe điện với số lượng lớn, trước tiên phải thiết lập cơ sở sản xuất pin, tìm kiếm nguyên liệu thô cho sản xuất để bảo đảm nguồn cung cấp pin. Ngành công nghiệp xe điện đứng trước thách thức cần bảo đảm nguồn điện cho sản phẩm của mình.
Nhiều nhà sản xuất xe truyền thống đang sử dụng lợi thế riêng để bắt kịp và dẫn đầu trong cuộc đua tìm kiếm nguồn pin, linh kiện liên quan. Do đó, bên cạnh sản xuất xe thì thị trường pin xe điện đang có sự phát triển mạnh mẽ. Tập đoàn Toyota của Nhật Bản đã lên kế hoạch đầu tư 3,4 tỷ USD vào Mỹ đến năm 2030 để sản xuất pin ô-tô, trong đó có dự án xây dựng nhà máy pin trị giá 1,3 tỷ USD và tuyển dụng 1.750 công nhân Mỹ. Công ty mẹ của hãng xe Chrysler là Stellantis đã bắt tay với tập đoàn LG của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy chế tạo pin của riêng họ ở Mỹ. Hãng xe khổng lồ của Đức Volkswagen cũng đang mở rộng sản xuất hệ thống pin và thí điểm một nhà máy tái chế pin để tập trung chế tạo xe điện cho thị trường Bắc Mỹ, bên cạnh các nhà máy mới ở châu Âu.
Các nhà sản xuất ô-tô khác cũng nhận thức rõ rằng thị trường pin sẽ là “miếng bánh” lớn. Theo hãng tư vấn quản lý Mckinsey của Mỹ, hãng Ford đã liên doanh với SK Innovation để xây dựng ba nhà máy sản xuất pin ở hai bang Kentucky và Tennessee. GM cũng rục rịch chuẩn bị xây dựng một cơ sở phát triển pin mới ở Michigan. Trước đó, các hãng xe châu Á đều đã “nhanh mắt” nhận thấy thị trường béo bở này, và thành lập các liên doanh mạnh mẽ để đầu tư cho pin xe điện hóa như Hyundai-Kia, hay liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi và BYD là những nhóm liên doanh đang sở hữu thị phần đáng kể trên thị trường xe điện ở Mỹ. Ngay cả hai hãng đã từng phản đối xe điện hóa lớn nhất là BMW và Toyota cũng đang nỗ lực tham gia giành thị phần trong những năm tới.
Các chuyên gia cũng dự đoán sự gia tăng số lượng xe điện cũng như công suất pin nhiều khả năng sẽ làm cạn kiệt các nguyên liệu thô được sử dụng trong chế tạo pin. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quá trình sản xuất pin có thể bị ngưng trệ, khiến nhu cầu về pin tăng cao, giá các nguyên liệu chế tạo pin như lithium, niken, coban và các nguyên tố đất hiếm đều tăng mạnh.
Dường như trong ngành công nghiệp xe điện hiện nay, các nhà sản xuất đều đứng trước hai thách thức lớn về nguyên liệu sản xuất pin. Đó là làm thế nào để giảm lượng kim loại khan hiếm, đắt tiền trong pin; đồng thời cải thiện khả năng tái chế pin, để tái sử dụng các kim loại quý trong pin đã qua sử dụng một cách hiệu quả.