Cột mốc đáng buồn

Theo báo cáo của Dự án Người di cư mất tích của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính từ năm 2014 đến nay, số người di cư thiệt mạng trong hành trình tìm kiếm nơi ở mới đã vượt mốc 50.000 người. Các tác giả báo cáo cho rằng, con số được thống kê chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số thực về cuộc khủng hoảng di cư không an toàn vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Những người di cư luôn phải đối mặt nguy hiểm trên chặng đường tìm miền đất hứa. Ảnh: ASSETS
Những người di cư luôn phải đối mặt nguy hiểm trên chặng đường tìm miền đất hứa. Ảnh: ASSETS

Các tuyến đường chết chóc

Trong số 51.194 trường hợp được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu của Dự án Người di cư mất tích kể từ năm 2014, hơn 30.000 trường hợp được liệt kê với chú thích “quốc tịch không xác định”, đồng nghĩa việc các gia đình của hơn 60% số trường hợp tử vong trên các tuyến đường di cư vẫn chưa tìm thấy tung tích của người thân. Trong số những trường hợp người di cư tử vong xác định được quốc gia xuất phát, hơn 9.000 cá nhân đến từ các quốc gia châu Phi, 6.500 người đến từ các quốc gia châu Á và hơn 3.000 người đến từ châu Mỹ. Mười quốc gia có nhiều người di cư thiệt mạng nhất kể từ năm 2014 là Afghanistan, Myanmar, Syria, Ethiopia, Mexico, Morocco, Algeria, Venezuela, Guatemala, Haiti.

Với 29.126 trường hợp tử vong hoặc mất tích được ghi nhận trên đất liền và trên các tuyến đường biển ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, châu Âu trở thành điểm đến nguy hiểm nhất đối với người di cư. Cứ hai trường hợp mất tích trên các tuyến đường di cư ở châu Âu và đến châu Âu, có ít nhất một trường hợp vẫn chưa được tìm thấy hoặc không xác định được danh tính; 25.104 trường hợp tử vong được ghi nhận trong các chuyến đi của người di cư qua Địa Trung Hải, biến tuyến đường này trở thành tuyến đường nguy hiểm nhất được biết đến trong tất cả các năm được thống kê trong cơ sở dữ liệu của Dự án Người di cư mất tích.

Hơn 9.000 trường hợp tử vong đã được ghi nhận ở châu Phi, khiến châu lục này trở thành khu vực nguy hiểm thứ hai đối với những người di cư. Tuy nhiên, theo các tác giả của báo cáo, số người di cư thiệt mạng tại châu Phi có thể lớn hơn rất nhiều. Thí dụ, một cuộc khảo sát các hộ gia đình do Cơ quan Thống kê trung ương Ethiopia thực hiện vào năm 2021 ước tính, có tới hơn 51.000 công dân Ethiopia là những người di cư đã mất tích, trong số đó khoảng 8.430 trường hợp được các gia đình cho biết là đã thiệt mạng.

Trên khắp châu Mỹ, hơn 6.900 trường hợp tử vong trong quá trình di cư đã được ghi nhận kể từ năm 2014. Ít nhất 4.694 người đã thiệt mạng trên các tuyến đường đến Mỹ kể từ năm 2014, bao gồm cả những người thiệt mạng ở biên giới phía bắc của Mexico và những người đã chết hoặc mất tích trên các tuyến đường biển từ Caribe đến các lãnh thổ của Mỹ. Cửa khẩu biên giới đất liền Mỹ-Mexico là nơi có tổng cộng hơn 4.100 người di cư thiệt mạng. Dự án Người di cư mất tích đã ghi nhận 199 trường hợp tử vong ở khu vực rừng rậm Darien, một tuyến đường xuyên rừng kéo dài nhiều ngày ở biên giới giữa Colombia và Panama, nơi có hơn 100.000 người đã quá cảnh chỉ riêng trong năm 2021.

Kể từ năm 2014, hơn 6.200 trường hợp tử vong trong quá trình di cư đã được ghi nhận ở châu Á. Hơn 11% số ca tử vong trên các tuyến đường di cư ở châu Á là trẻ em, tỷ lệ cao nhất trong tất cả các khu vực trên thế giới. Trong tất cả các tiểu vùng trên toàn thế giới, các tuyến di cư ở Nam Á và Tây Á có tỷ lệ tử vong do bạo lực cao nhất, với 23% tổng số ca tử vong do bạo lực trên thế giới được ghi nhận ở cả hai tiểu vùng này. Hơn ba phần tư số ca tử vong được ghi nhận trên các tuyến đường di cư ở Nam Á là người Afghanistan, với ít nhất 1.419 người thiệt mạng. Ở Tây Á, ít nhất 1.315 người đã thiệt mạng trên các tuyến đường di cư kể từ năm 2014, trong đó nhiều trường hợp xảy ra ở các quốc gia đang diễn ra xung đột bạo lực nghiêm trọng.

Kêu gọi hành động khẩn cấp

Các chuyên gia của IOM nhấn mạnh rằng, hơn 50.000 trường hợp tử vong trong quá trình di cư được ghi nhận từ năm 2014 là bằng chứng rõ ràng rằng các chính sách hiện tại không đủ để bảo đảm quá trình di cư an toàn cho tất cả mọi người. Mỗi trường hợp xấu số trong hành trình di cư không chỉ đại diện cho cuộc sống của một con người, mà còn là của một gia đình và của một cộng đồng phải hứng chịu các tác động nặng nề bởi những khó khăn chưa được giải quyết.

Tại châu Âu, khu vực ghi nhận nhiều trường hợp người di cư tử vong nhất, vấn đề di cư nóng trở lại thời gian gần đây. Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, 275.500 người đã di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu (EU), tăng 73% so cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016. Theo Frontex, người di cư vào EU chủ yếu sử dụng tuyến đường qua Tây Balkan. Riêng trong tháng 10, các nước thành viên EU đã ghi nhận 36.500 lượt nhập cảnh bất hợp pháp, tăng 47% so tháng 10 năm ngoái.

Quan hệ giữa Pháp và Italy gần đây leo thang căng thẳng do mâu thuẫn về việc tiếp nhận khoảng 230 người di cư được tàu Ocean Viking treo cờ Pháp của tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải giải cứu. Tàu này đã cập cảng Toulon của Pháp hồi đầu tháng 11, sau khi Italy từ chối tiếp nhận. Paris đã chỉ trích quyết định của Rome và tạm ngừng kế hoạch tiếp nhận 3.500 người di cư ở Italy, vốn là một phần trong cơ chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của châu Âu.

Pháp cáo buộc Italy không tôn trọng luật hàng hải khi từ chối một tàu cứu hộ cập cảng. Trong khi đó, Chính phủ Italy cho rằng phản ứng của Pháp là vô lý và tuyên bố chỉ hỗ trợ người di cư vì mục đích nhân đạo như trẻ em, phụ nữ mang thai…, đồng thời cho rằng tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận. Trước đó, Italy mới chỉ cho phép tàu cứu hộ Humanity 1 treo cờ Đức cập cảng để kiểm tra những trường hợp đủ tiêu chí được phép xuống tàu, những trường hợp khác sẽ phải rời khỏi lãnh hải của nước này. Bên cạnh đó, Italy và Hy Lạp còn cho rằng, hệ thống xử lý vấn đề người di cư của châu Âu đặt gánh nặng không cân xứng lên hai quốc gia có biên giới biển quan trọng với khu vực Bắc Phi.

EU cũng từng lên tiếng chỉ trích Serbia, quốc gia không phải là thành viên EU nhưng có chung đường biên giới với liên minh này, đang là cửa ngõ cho những người di cư trái phép tìm đường vào EU. Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo không loại trừ khả năng hủy bỏ cơ chế miễn thị thực cho người Serbia nếu nước này không ngăn chặn tình trạng di cư trái phép.

Bộ trưởng Nội vụ của các nước thành viên EU đã họp khẩn hôm 25/11, nhất trí với kế hoạch hành động gồm 20 điểm, trong đó đề cập mong muốn của EU hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước như Libya, Tunisia hoặc Ai Cập để ngăn chặn dòng người di cư, cũng như đẩy mạnh trục xuất những trường hợp vượt biên trái phép. Dù tất cả các bên tham dự đánh giá đây là một cuộc họp mang tính xây dựng, song Bộ trưởng Nội vụ Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, vẫn cho biết các đại biểu đều nhất trí “phải làm nhiều hơn nữa” để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề người di cư vào châu Âu.

Các tuyên bố, thỏa thuận toàn cầu như các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Hiệp ước Toàn cầu về di cư, hay các cơ chế khu vực như Cơ quan về quyền cơ bản của EU, Ủy ban Nhân quyền châu Phi đã đề cập nhiều đến các cam kết nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép và bảo đảm an toàn, tính mạng cho người di cư. Tuy nhiên, IOM cho rằng những cam kết và hành động hiện nay là chưa đủ, khi dữ liệu cho thấy dù số người thiệt mạng ngày càng tăng, chính phủ ở các quốc gia xuất phát, quá cảnh và điểm đến của những người di cư đã hành động rất ít để giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.

LHQ nhiều lần nhắc lại quan điểm: Để cứu sống và giảm rủi ro đối với người di cư cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, trong đó quyền được sống phải luôn được tôn trọng hàng đầu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, ưu tiên cải thiện và mở rộng các lộ trình di cư thường xuyên và an toàn. Dù người dân lựa chọn di cư vì bất kể lý do nào, thì cũng không ai đáng phải bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.