“Quyết tâm sắt đá”
Ngày l5/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đã đến thăm Quảng Trị trong bối cảnh Quảng Trị mới giải phóng, Hiệp định Paris vừa được ký kết, trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời đã được xây dựng và ra mắt tại tỉnh. Chủ tịch Fidel tới thăm Đông Hà và một số địa phương vừa trải qua chiến tranh ác liệt, sau đó đã tham dự cuộc mít-tinh của hàng nghìn người dân Quảng Trị. Tại đây, ông đã ca ngợi lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho cả nhân loại, cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng”(*).
Nhận định về chuyến thăm, tác giả Sergio Alejandro Gómez qua bài viết “Fidel truyền cho chúng tôi tình yêu Việt Nam” trên báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đã nhấn mạnh Fidel là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên vượt vĩ tuyến 17 và thăm vùng mới giải phóng. Bài viết có đoạn: “Nhà lãnh đạo Cuba đã dành nhiều thời gian để phân tích và suy ngẫm về các xung đột quốc tế và những thách thức của nhân loại. Trong đó, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong tư tưởng của Fidel. Nhà lãnh đạo Cuba tự nhận mình là người rất ngưỡng mộ khả năng chiến đấu và tinh thần độc lập của nhân dân Việt Nam...”.
Bài báo trích đoạn Chủ tịch Fidel nhớ về chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong một bài viết tháng 2/2008 của mình: “Chuyến đi không phải là không có rủi ro. Tất cả các cây cầu dọc đường, không có ngoại lệ, có thể nhìn thấy từ trên không giữa Hà Nội và miền nam, đều bị phá hủy; nhiều ngôi làng bị san bằng do lựu đạn, bom chùm thả xuống hằng ngày, bom nổ trên các cánh đồng lúa, nơi trẻ em, phụ nữ và thậm chí cả những người già đang làm việc để sản xuất lương thực”.
Theo Bộ Ngoại giao, chuyến thăm diễn ra trong thời điểm chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt, là biểu tượng cao nhất cho tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nhân dân Cuba đối với Việt Nam; khẳng định Cuba hết sức khâm phục cuộc đấu tranh anh dũng của Việt Nam chống đế quốc xâm lược, không chỉ vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc mình, mà còn là sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc trên thế giới vì độc lập, quyền tự quyết dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Còn theo Thông tấn xã Cuba ACN, “tháng 9/1973, Fidel trở thành nhà lãnh đạo Cuba đầu tiên đến Việt Nam. Hơn nữa, Fidel và phái đoàn của ông đã hoàn thành một chương trình nghị sự bận rộn bao gồm các chuyến viếng thăm tượng đài liệt sĩ và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như hội đàm chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam”. ACN trích lời hai biên tập viên Jorge Luna và Víctor Carriba cho biết: “Vị Tổng tư lệnh đã nhất quyết đến thăm những khu vực mới giải phóng dù còn nguy hiểm”. Quyết tâm sắt đá phải tới thăm bằng được vùng mới giải phóng của ông không chỉ thể hiện lòng can đảm, mà còn là lời kêu gọi để cộng đồng quốc tế biết tới thực tiễn giải phóng của nhân dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ tinh thần đoàn kết của Chính phủ, nhân dân Cuba với cuộc đấu tranh chính nghĩa.
Fidel Castro là một nhân vật lịch sử, một lãnh tụ, anh hùng của nhân dân Cuba và Mỹ latin, cũng là một nhà cải cách, nhà văn hóa được nhiều học giả thế giới ca ngợi. Trong một bài viết về Fidel Castro của học giả Salim Lamrani đăng trên Tạp chí nghiên cứu quốc tế về Cuba năm 2016, Salim Lamrani viết về ba khía cạnh đặc trưng của con người Fidel Castro: “Trước hết, ông là người kiến tạo nên chủ quyền quốc gia, là người đã hiện thực hóa giấc mơ về một Cuba độc lập. Thứ hai, ông là nhà cải cách xã hội, đứng lên vì sự nghiệp bảo vệ những người nghèo khổ, yếu thế. Cuối cùng, Fidel là một người theo chủ nghĩa quốc tế, luôn rộng lượng giúp đỡ những dân tộc còn khó khăn ở khắp nơi trên thế giới, đặt đoàn kết và hội nhập làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Cuba”.
Biểu tượng của tình hữu nghị
Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro và nhân dân Cuba đã tặng Việt Nam năm công trình kinh tế-xã hội có giá trị lớn và hết sức thiết thực với nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là Bệnh viện Việt Nam-Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), đường Việt Nam-Cuba, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ và Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội). Các công trình này đến nay vẫn đang tiếp tục hoạt động, là minh chứng cho tình hữu nghị thắm thiết, bền vững đời đời giữa Việt Nam và Cuba. “Lúc chúng ta đang chiến tranh ác liệt, ông đã nghĩ chúng ta sẽ thắng. Ông đã suy nghĩ giúp Việt Nam thế nào cho thiết thực với khả năng của Cuba”, Đại sứ Nguyễn Đình Bin - người phiên dịch trong chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro năm 1973, nhớ lại.
Theo báo Granma, trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2003, nhà lãnh đạo Cuba đã ghi nhận quá trình phát triển của Việt Nam: “Tôi có thể coi mình là nhân chứng cho sự tiến bộ của Việt Nam trong gần 30 năm qua”, ông nói và lưu ý rằng, người dân Việt Nam có nhiều lý do để tự hào về những gì họ đã đạt được. Ông đã nhắc lại câu nói lịch sử: “Hôm nay tôi nhắc lại ở đây rằng đối với Việt Nam, nhân dân Cuba thực sự sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, bởi vì chúng tôi đánh giá cao lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của các bạn”.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tới Việt Nam, hàng loạt cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam và Cuba đã đăng tải các thông tin, bài viết, nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Lãnh tụ Fidel Castro là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất về tình đoàn kết, sự ủng hộ vô tư, trong sáng của Cuba dành cho Việt Nam, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao cho quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; đồng thời tạo thêm động lực mới cho phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trên thế giới.
Cũng trong dịp này, Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina (PL) đã ra mắt cuốn sách “Fidel Castro - Vì Việt Nam, nguyện hiến dâng cả máu! (Fidel Castro - Nuestra Sangre Por Vietnam)”. Cuốn sách là kết quả hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và PL, tổng hợp các bài viết và hình ảnh mà một vài trong số đó chưa từng được xuất bản về các sự kiện lịch sử, bao gồm cả ý kiến đóng góp của các nhà báo hai nước. Cuốn sách được trình bày song ngữ tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, đồng thời với một ấn bản song ngữ tiếng Việt - Tây Ban Nha do NXB Thông tấn phát hành tại Việt Nam. Ngoài ra, NXB Thông tấn cũng giới thiệu đến độc giả cuốn “Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ” do nhà báo Phạm Đình Lợi, nguyên phóng viên thường trú, nguyên Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cuba trong ba nhiệm kỳ, viết, biên dịch, tuyển chọn với sự cộng tác của Hoài Nam và Ngô Tuân.
(*) (Tài liệu tham khảo: Một thời Quảng Trị, Lê Hải Triều, NXB Quân đội Nhân Dân, 2008).