Xu thế
“Kinh tế xanh” được coi là vấn đề toàn cầu, khi mà các cá nhân, doanh nghiệp cùng hướng đến việc bảo vệ môi trường bền vững. Hiện tại, xu hướng các doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn ISO để bảo vệ môi trường đã tăng lên. Còn người tiêu dùng luôn đặt sự lựa chọn các thực phẩm organic và thực phẩm sạch, các sản phẩm có bao bì tự nhiên. Chính vì doanh nghiệp tham gia “kinh tế xanh” tăng lên như vậy, nhu cầu lao động đối với ngành này đang dần tăng. Hệ thống đào tạo của đại học nước ta bắt đầu hình thành ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên hay còn gọi là kinh tế xanh. Tuy đây là ngành đào tạo khá mới nhưng các doanh nghiệp rất quan tâm tới sinh viên của ngành này.
Đơn cử, tại Trường đại học (ĐH) Công nghiệp TP Hồ Chí Minh mới đây đã ra mắt mô hình sản xuất thí điểm chén đĩa dùng một lần từ lá sen tươi. Không chỉ dễ dàng phân hủy trong môi trường mà các sản phẩm chén đĩa còn giúp làm tăng thêm hương vị của thực phẩm. Sản phẩm và hệ thống sản xuất này đều là kết quả nghiên cứu của sinh viên nhà trường. Chỉ sau gần ba năm kể từ khi ra đời, ý tưởng này đã được một doanh nghiệp mua lại để sản xuất hàng loạt.
Em Nguyễn Thành Nam, sinh viên học ngành thương mại điện tử, Trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: “Năm thứ ba, em được học môn Tin học trong môi trường và thực hành luôn rất thú vị. Môn học đó giúp em tìm ra được những tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng miền trên đất nước và cũng có thể tham gia được các dự án nghiên cứu”. Theo PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hai năm vừa qua, một số sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Thương mại các lĩnh vực như logistics, marketing, thương mại điện tử có thể nhận việc ngay từ khi đang học năm ba hoặc năm tư. Đây là minh chứng cho thấy việc phát triển nhân lực xanh hoàn toàn có cơ sở, có sự thu hút với người lao động nên Việt Nam có đủ điều kiện phát triển ngành kinh tế xanh trong thời gian tới”, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Loan nói.
Các trường vào cuộc
Đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu được vài năm nhưng lại là xu hướng tất yếu của nền sản xuất trong tương lai. Vì vậy, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy ngành này được các trường chú trọng đầu tư, cập nhật và thay đổi linh hoạt. Chỉ tiêu tuyển sinh luôn bám sát sự chuyển dịch của thị trường lao động hằng năm.
Việc tham gia các dự án nghiên cứu, chế tạo, đi tham quan các cơ sở sản xuất là một trong những lợi thế của sinh viên học ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên. Sự hợp tác này không chỉ tạo thuận lợi cho quá trình học của sinh viên mà cũng giúp cho các doanh nghiệp thêm cơ hội tìm kiếm nhân lực trong quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất mới.
PGS, TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đã có sự khởi động công tác nghiên cứu cách đây chục năm trở về trước cho nên đã triển khai ngay công tác giảng dạy ngành kinh tế xanh. Chúng tôi cũng mời thêm các chuyên gia bên ngoài, các doanh nghiệp hỗ trợ giảng dạy. Thí dụ, các doanh nghiệp mà nhà trường có hoạt động liên kết để họ vào thỉnh giảng, trao đổi với sinh viên hoạt động sản xuất thực tế, đưa sinh viên vào doanh nghiệp thực tập”.
Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, một số ngành dễ kiếm việc có liên quan đến phát triển kinh tế xanh như kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá chất lượng bao bì, chất lượng nguồn nước xả thải hay quản trị nhân lực xanh, logistics xanh, chuỗi cung ứng xanh, direct marketing (tiếp thị tương tác)…
Một báo cáo của Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) từng cho thấy, có tới 60% thanh niên Việt Nam có thể thiếu các kỹ năng xanh cần thiết để phát triển trong công cuộc chuyển đổi xanh. Trong khi đó, dưới góc độ bền vững, quản trị nguồn nhân lực xanh là yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.