Chống nạn buôn người ở châu Phi

Cơ quan Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Cảnh sát Hình sự châu Phi (Afripol) đã thực hiện hơn 1.000 vụ bắt giữ trên toàn cầu trong chiến dịch có tên gọi Flash-Weka. Hoạt động phối hợp này nhắm mục tiêu vào các mạng lưới tội phạm có tổ chức liên quan nạn buôn người ở châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra an ninh tìm kiếm tội phạm buôn người ở Mozambique. Ảnh: BSR
Kiểm tra an ninh tìm kiếm tội phạm buôn người ở Mozambique. Ảnh: BSR

Chiến dịch Flash-Weka

Đây là hoạt động chung đầu tiên giữa Interpol và Afripol và là chiến dịch phối hợp với sự tham gia của cơ quan thực thi pháp luật ở 54 quốc gia, đã diễn ra trong hai giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6, để triệt phá các mạng lưới tội phạm có tổ chức đứng sau hoạt động buôn người và đưa người di cư trái phép ở châu Phi. Chiến dịch đã thực hiện hơn 1.000 vụ bắt giữ trên toàn thế giới và phát hiện hàng nghìn nạn nhân. Nhờ sử dụng cơ sở dữ liệu tội phạm toàn cầu của Interpol, cơ quan thực thi pháp luật địa phương đã làm việc với các chuyên gia của Interpol và Afripol để xác định vị trí, ngăn chặn tội phạm hoạt động xuyên biên giới.

“Buôn bán người và đưa người di cư trái phép thường là một phần của chuỗi tội phạm rộng lớn và phức tạp hơn. Đây là lý do tại sao sự hợp tác chặt chẽ, hợp nhất các nguồn lực giữa Interpol và Afripol lại rất quan trọng, góp phần chặt đứt các mạng lưới này và xác định danh tính, giải cứu hàng nghìn nạn nhân”, ông Jurgen Stock, Tổng Thư ký Interpol cho biết.

Tổng Thư ký Stock nói thêm: “Từ các manh mối thu được sau chiến dịch Flash-Weka chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ bắt giữ tiếp theo. Chúng tôi sẽ đưa ra trước công lý những kẻ buôn người đã lợi dụng sự khốn khổ của những người di cư”. Lực lượng thực thi pháp luật đã thực hiện tổng số 1.062 vụ bắt giữ, phát hiện 2.731 người di cư trái phép, xác định 823 nạn nhân buôn người và tịch thu hơn 800 tang vật như vũ khí, xe cộ... Đồng thời cảnh sát các nước cũng tiến hành thêm 197 cuộc điều tra liên quan.

Ông Jalel Chelba, Giám đốc điều hành Afripol cho biết: “Sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa hai tổ chức và các quốc gia thành viên đã giúp chúng tôi tạo thành một liên minh đáng gờm chống lại các thế lực tội phạm. Bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ nạn nhân, ngăn chặn các mạng lưới kiếm lợi trên sự khó khăn của người khác. Chúng tôi sẽ đưa thủ phạm ra trước công lý”, ông Chelba chia sẻ thêm về những nỗ lực hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật.

Nạn buôn người lan rộng khắp châu Phi

Các lực lượng tham gia chiến dịch Flash-Weka tiết lộ đã lần ra nhiều đầu mối thông qua các trang thông tin tuyển dụng hoặc dịch vụ tìm kiếm việc làm trực tuyến. Một trong các nền tảng thương mại điện tử được bọn buôn người sử dụng là Q.Net, được xác định hoạt động ở Burkina Faso, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Ghana, Guinea và Mali, thường dụ dỗ những thanh niên đang có mong muốn tìm việc ở nước ngoài. Trong cuộc đột kích vào một khách sạn ở Lome (Togo), chính quyền đã giải cứu 30 nạn nhân từ Nigeria bị bán cho các đường dây bóc lột tình dục. Những người này khai “bị trang web lừa đảo tuyển dụng làm nhân viên thẩm mỹ”. Ngoài ra, một số nạn nhân nhẹ dạ khác đã bị bọn buôn người dẫn dụ đến các nước vùng Vịnh vì mong muốn “ghi danh vào học viện bóng đá”.

Nhiều trường hợp được phát hiện trong chiến dịch Flash-Weka liên quan đến các nạn nhân đến từ châu Á, đặc biệt là Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka.

Lực lượng an ninh Angola đã giải cứu bảy phụ nữ được tuyển dụng trực tuyến với những lời hứa “làm việc trong các khách sạn và thẩm mỹ viện”. Cũng trong chiến dịch này, lực lượng chức năng ở Iraq đã bắt giữ chín nghi phạm được cho là có liên quan các vụ buôn bán nội tạng; cảnh sát Syria đã giải cứu một bé gái và bắt giữ hai người đàn ông vì nghi ngờ buôn bán trẻ vị thành niên phục vụ hoạt động mại dâm…

Mặc dù tệ nạn buôn người đã thu hút sự chú ý của công chúng trong những năm gần đây, nhưng hiểu biết về pháp luật và các công cụ chính sách liên quan còn rất hạn chế ở châu Phi, đặc biệt là ở tiểu vùng Tây Phi, nơi từ lâu đã chứng kiến mức độ di cư thường xuyên gia tăng đáng ngại. Điều này đã tạo ra một thị trường cho những kẻ buôn người lộng hành. Cổng dữ liệu di cư năm 2021 chỉ ra rằng, mức độ di cư trong và ngoài khu vực Tây Phi đang tăng mạnh và đây là nơi có số lượng nạn nhân buôn người cao nhất đến các quốc gia bên ngoài châu Phi, đặc biệt là đến châu Âu và Trung Đông.

Nạn buôn người trong khu vực này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm LHQ (UNODC) cho biết, hơn 75% số nạn nhân buôn người được phát hiện ở Tây Phi là trẻ em (theo báo cáo UNODC Nigeria 2021). Cơ quan điều tra cũng chỉ ra tỷ lệ nạn nhân buôn người được phát hiện ở Tây Phi cao hơn so các quốc gia khác ở châu Phi cận Sahara. Phần lớn nạn nhân là trẻ em, bị buôn bán vì mục đích bóc lột lao động cưỡng bức. Điều này trái ngược với các quốc gia có thu nhập cao, nơi trẻ em có nhiều khả năng bị buôn bán để bóc lột tình dục. Người ta ước tính thêm rằng 3,5 triệu người châu Phi là nạn nhân của nạn buôn người tại bất kỳ thời điểm nào, trong đó 17% số nạn nhân buôn người được phát hiện ở Bắc Phi có nguồn gốc từ Tây Phi, 7% ở Đông Phi đến từ Tây Phi và 99% số nạn nhân được phát hiện ở Tây Phi là từ tiểu vùng hoặc ngay tại chính quốc gia của họ. Báo cáo Nghiên cứu Chiến lược châu Phi 2021 nhận định, các mạng lưới tội phạm thường khai thác những khu vực có cơ sở hạ tầng yếu kém, an ninh biên giới lỏng lẻo... biến những nơi này thành “vùng xám” của tệ nạn buôn người.

Ngăn chặn dòng người vượt Địa Trung Hải

Các hoạt động hợp tác quốc tế hiện nay giữa Interpol và Afripol cũng đang tập trung vào việc ngăn chặn nạn đưa người di cư trái phép qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Chỉ riêng trong năm 2017, tổng cộng 18.000 người di cư Nigeria được ghi nhận đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải, trong đó có 5.400 phụ nữ. Điều này cho thấy sự phức tạp của vấn nạn buôn người, khi các đối tượng vừa là tội phạm ở khu vực Tây Phi, vừa là tội phạm có sự phân nhánh ngoài khu vực ở châu Âu. Ngoài các xu hướng đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) lưu ý một đặc điểm khác của nạn buôn người ở Nigeria, đó là chủ yếu do phụ nữ tổ chức. Nhiều kẻ buôn người từng là nạn nhân buôn người. Điều này được lý giải là do nghèo đói vẫn là yếu tố số một khiến phụ nữ dễ bị buôn bán. Các yếu tố khác bao gồm áp lực của gia đình, các giá trị bị xói mòn, văn hóa chấp nhận mại dâm, trình độ học vấn hạn chế...

Diễn biến thực tế cho thấy tội phạm buôn người xuyên quốc gia và có tổ chức đã ăn sâu vào nhiều khu vực của châu Phi, tạo ra thách thức cho những nỗ lực phát triển kinh tế và con người. Các lực lượng an ninh quốc tế phối hợp giữa các nước châu Âu, châu Phi và LHQ đang tăng cường hỗ trợ những người di cư châu Phi, đồng thời mạnh tay triệt phá các mạng lưới buôn người có tổ chức. IOM đang tích cực hỗ trợ các lực lượng an ninh châu Phi nói chung để ngăn chặn dòng người di cư trước khi họ vượt qua Địa Trung Hải. Tuy nhiên, dòng người di cư từ châu Phi tìm đến “lục địa già” không ngừng gia tăng khiến cho những nỗ lực đó chưa thể phát huy hiệu quả.

Khẳng định mức độ nghiêm trọng của xu hướng đưa người di cư trái phép đang gia tăng, Chiến dịch Flash-Weka là một trong những nỗ lực đưa ra ánh sáng những kẻ buôn người và tổ chức đưa người di cư vượt biên trái phép, nhằm mạnh tay giải quyết vấn đề tội phạm liên quan, tiến tới triệt phá hoàn toàn thị trường buôn bán người ở các quốc gia châu Phi.