Chọn cổ phiếu cho quý IV

Lãi suất tăng, áp lực lạm phát lớn dần, trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn còn và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần lộ diện…, tất cả đều đe dọa tương lai của thị trường chứng khoán cuối năm nay. Trong bối cảnh đó, liệu có còn cơ hội cho nhà đầu tư “đãi cát, tìm cổ”?
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư vẫn có cơ hội khi thị trường giảm điểm. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư vẫn có cơ hội khi thị trường giảm điểm. Ảnh: NAM ANH

Thị trường thiếu thông tin hỗ trợ

Sau khi đạt đỉnh gần nhất là 1.524,70 điểm vào ngày 4/4/2022, chỉ số VN-Index đã giảm xuống gần 1.170 điểm hồi giữa tháng 5, sau đó phục hồi về khoảng gần 1.380 điểm cuối tháng 8, rồi lại “thủng mốc” 1.200 điểm để về 1.143,62 điểm chốt phiên chiều 28/9.

Chia sẻ với PV báo Thời Nay, anh Hùng Sơn, một nhà đầu tư mới gia nhập thị trường hai năm cảm thán: “Chứng trường quá khắc nghiệt! Tôi đã đóng tài khoản hồi tháng 5, nhưng sau đó thấy chỉ số hồi phục nên lại giải ngân mua mới, vay ký quỹ và bây giờ tiếp tục thua lỗ. Tôi đã tin rằng chỉ số vĩ mô đang tốt, cộng với các chính sách hỗ trợ thị trường như rút ngắn thời gian giao dịch T+2,5 từ 29/8 và cho phép giao dịch lô lẻ từ 12/9 sẽ khiến thị trường khởi sắc, nhưng thực tế luôn khắc nghiệt”.

Lý giải điều này, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, năm 2022 là một năm đẹp về vĩ mô nhưng xấu về tiền tệ, mà thị trường chứng khoán lại phụ thuộc dòng tiền nhiều hơn là phụ thuộc yếu tố vĩ mô. Theo đó, mặc dù kinh tế Việt Nam tám tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, song thanh khoản (phản ánh dòng tiền) của thị trường chứng khoán lại khá èo uột.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu tháng 8/2022 đạt 18,6 nghìn tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so mức 23,3 nghìn tỷ đồng/phiên trung bình tám tháng đầu năm.

Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, các chính sách T+2,5 hay giao dịch lô lẻ có thể tác động đến thanh khoản (mặc dù rất nhỏ) trong bối cảnh thị trường đang sôi động, thí dụ thời điểm năm 2021. Còn ở bối cảnh hiện tại, nó hầu như không thể tác động đến thanh khoản bởi vì thị trường đang ở “vùng trũng” thông tin, quá thiếu những thông tin hỗ trợ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại đang chịu tác động của nhiều thông tin tiêu cực như: lạm phát toàn cầu tăng cao, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và chuẩn bị bước vào chu kỳ suy thoái…

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến nay, khối nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu với giá trị lên tới 64 tỷ USD. Việc FED lần thứ năm nâng lãi suất điều hành trong năm (ngày 21/9) đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất theo, làm cho đồng USD ngày càng tăng giá so các đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam.

Kết quả là ngày 22/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải nâng lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5%; trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6% (áp dụng từ ngày 23/9) để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tiếp theo là hàng loạt ngân hàng thương mại nâng lãi suất huy động. Nhìn chung, dòng vốn sẽ có xu hướng chạy khỏi các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.

Lọc tìm cơ hội cho cuối năm

Tuy vậy, vẫn có nhiều lý do để nhà đầu tư “sống sót” trên thị trường chứng khoán mà vẫn có thể kiếm được lợi nhuận. Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2022, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”.

Theo KBSV, kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ được hỗ trợ từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, các gói hỗ trợ tiếp tục được triển khai cũng như sự phục hồi của hoạt động sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ. Từ đó, KBSV dự phòng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX đạt 18,3% so cùng kỳ trong năm 2022, VN Index sẽ đạt mức 1.330 điểm vào cuối năm, định giá P/E mục tiêu khoảng 13 lần.

Trong đó, nhóm ngành có sự tăng trưởng cao nhất là nhóm tiện ích (63,6%) nhờ tình hình thời tiết thuận lợi và nhu cầu gia tăng; nhóm công nghiệp (37,9%) do hoạt động sản xuất hồi phục; nhóm công nghệ thông tin (21,8%). Nhóm bất động sản được dự báo tăng trưởng, chủ yếu do lợi nhuận của VIC (VinGroup) hồi phục so mức nền thấp. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu năng lượng sẽ giảm, chủ yếu do EPS giảm của PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) bởi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; ở mảng bán lẻ tiêu dùng, MSN của Tập đoàn Masan sẽ giảm lợi nhuận do năm 2021 thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus…

Nhận định về triển vọng quý IV, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá cao các nhóm ngành xây dựng và vật liệu (do hưởng lợi từ đầu tư công), bảo hiểm (nhờ kinh tế phục hồi) và một số ngành có nền tảng tăng trưởng tốt như công nghệ thông tin, bán lẻ, ngân hàng; nhóm ngành ít bị tác động bởi lạm phát như điện, thực phẩm và đồ uống, thiết bị gia dụng, dược, bao bì đóng gói.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong hoàn cảnh hiện tại, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, nhà đầu tư hãy đặt niềm tin vào các doanh nghiệp xuất sắc. Theo ông Phúc, những doanh nghiệp tốt thường có diễn biến giá cổ phiếu tương đối ổn định, thậm chí nhàm chán vì ít khi xuất hiện trong danh sách cổ phiếu tăng và giảm mạnh hằng ngày hoặc hằng tuần. Nhưng sau nhiều năm nhìn lại, những doanh nghiệp tốt luôn có cổ phiếu tăng giá vượt trội.

Trong một bài viết mới công bố, ông Quan Đức Hoàng, đồng Chủ tịch hai Quỹ đầu tư A+ và Green Fund lưu ý nhà đầu tư về hai quy tắc: lãi kép và thời gian quan trọng hơn thời điểm. Theo ông Hoàng, số lợi nhuận từ chứng khoán trong ngắn hạn có thể nhỏ, nhưng sau một thời gian đầu tư dài hạn, nó sẽ lớn dần và có thể mang lại mức lãi kép. “Nếu tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, chúng ta nên đầu tư vào thị trường chứng khoán”, vị này nói.