Theo Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì có bảy người tử vong do bệnh không lây nhiễm, trong đó phần lớn tập trung ở các bệnh tim mạch. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, hai triệu người mắc bệnh tim, bệnh phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.
Điều đáng nói, việc thừa cholesterol là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch ở những người cao tuổi. Số liệu cho thấy, trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có đến ba người thừa cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, hơn 50% số phụ nữ trung niên (độ tuổi từ 50 đến 65) đang trong tình trạng thừa cholesterol.
Nghiên cứu y khoa cho thấy, cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Cholesterol chủ yếu có hai loại chính, đó là LDL (cholesterol xấu), HDL (cholesterol tốt). Nếu cơ thể bị tăng cholesterol xấu nghĩa là có quá nhiều LDL trong máu, phần dư thừa này cùng với một số chất khác tạo thành mảng bám. Những mảng bám này tụ trên thành động mạch gây nên tình trạng xơ vữa động mạch.
Viện Dinh dưỡng quốc gia chỉ rõ nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol chủ yếu đến từ lối sống ít vận động và chế độ ăn uống. Những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp), trứng và nội tạng động vật là những thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Ngoài ra, việc uống nhiều rượu, bia và các loại đồ uống có gas sẽ làm tăng cholesterol xấu. Bên cạnh đó, có một số các yếu tố cố định gây ra mức cholesterol cao không thể thay đổi được như tiền sử gia đình bị bệnh tim, có tình trạng cholesterol cao. Những trường hợp này, khi càng lớn tuổi thì khả năng bị hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) càng cao.
Để hạn chế mối nguy hại cho sức khỏe, theo các chuyên gia y tế, nếu một người được chẩn đoán thừa cholesterol mà không phải do bệnh nền và yếu tố tiền sử gia đình thì điều cần làm là thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Người bệnh cần hạn chế tất cả các chất béo không có lợi, chứa nhiều cholesterol có nhiều trong các nguồn thực phẩm nêu trên. Nên ăn những thực phẩm có chất xơ hòa tan, giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần trong máu như gạo lứt, cám yến mạch, đậu đỗ, cám gạo, lúa mạch, bổ sung nhiều hoa quả và các loại rau có nhiều vitamin và chất xơ. Ngoài ra, bổ sung nguồn chất béo có lợi vào chế độ ăn hằng ngày từ các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích...
Theo kế hoạch, trong khuôn khổ của “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”, Bộ Y tế sẽ triển khai các chương trình hành động với quyết tâm khống chế tốc độ gia tăng và tiến tới làm giảm tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam. Theo đó, ưu tiên việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol. Thực hiện lối sống khoa học, tăng cường các hoạt động thể chất, như đi bộ, đạp xe, bơi lội, hạn chế rượu, bia và không hút thuốc.