Chất lượng cải cách phụ thuộc người đứng đầu

Cải cách môi trường kinh doanh là quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục với yêu cầu phải có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đặt ra cho từng năm. Đây cũng được coi là gói hỗ trợ phi tài chính hiệu quả, cần thiết để trợ lực cho doanh nghiệp sớm phục hồi. PV Thời Nay đã có cuộc trao đổi ý kiến với bà Nguyễn Minh Thảo, (ảnh bên) Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Chất lượng cải cách phụ thuộc người đứng đầu

PV: Thưa bà, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dù vẫn được triển khai nhưng chưa như kỳ vọng, đâu là nguyên nhân chính?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Trước tiên, không thể phủ nhận những kết quả của Việt Nam về cải cách môi trường kinh doanh chín năm qua đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tuy vậy kết quả vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới cũng rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế trên các bảng xếp hạng. Bên cạnh những kết quả đạt được trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, một số chỉ tiêu của Việt Nam cải thiện chưa bền vững hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. Đơn cử, chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm bốn bậc (từ thứ 44 xuống 48); chỉ số Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm bốn bậc (từ thứ 51 xuống 55); chỉ số Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm hai bậc (từ thứ 70 xuống 72)…

Đáng lưu ý, quá trình cải cách đã chững lại từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn mọi nguồn lực đều tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, một số địa phương đã áp dụng biện pháp chống dịch cực đoan, khôi phục các giải pháp kiểm soát doanh nghiệp vốn đã bị bãi bỏ. Sau đại dịch, những chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính mới chỉ dừng lại ở việc sửa đổi nhỏ, không có nhiều thay đổi lớn mang tính thực chất; thậm chí còn có lĩnh vực phát sinh thêm rào cản.

PV: Việc đưa nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết 01/NQ-CP thay vì ban hành một nghị quyết riêng như thông lệ có phải nguyên nhân khiến quá trình cải cách bị nới lỏng?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Tích hợp nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào Nghị quyết 01/NQ-CP là cách làm phù hợp bối cảnh mới. Theo đó, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 không chỉ được bổ sung mới mà còn bao gồm những nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP của năm 2022, vì đó là những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2025. Tuy nhiên, sự thay đổi khiến các bộ, ngành, địa phương giảm mức độ quan tâm đến mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Hơn nữa, bối cảnh hiện nay đang có nhiều thách thức, các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, trong khi động lực cải cách suy giảm. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu hằng quý phải có báo cáo riêng về nhiệm vụ này để duy trì áp lực thường xuyên, liên tục trong cải thiện môi trường kinh doanh.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, cải thiện môi trường kinh doanh được coi là gói hỗ trợ phi tài chính hiệu quả, cần thiết để trợ lực cho doanh nghiệp sớm phục hồi. Theo bà, cần nhấn mạnh đến giải pháp trọng tâm gì?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2022) và Nghị quyết 01/NQ-CP (năm 2023), cùng với yêu cầu phải cập nhật, đánh giá thường xuyên về kết quả và hiệu quả cải cách. Đó là nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn; kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi… Đồng thời, giải quyết những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật liên quan hoạt động đầu tư (như thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, đầu tư,…) để khơi thông nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục yêu cầu cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành… Nhiệm vụ quan trọng khác là chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng pháp luật của doanh nghiệp… Cùng với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…

PV: Nghị quyết nêu rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhưng chất lượng môi trường kinh doanh lại phụ thuộc vào quá trình triển khai thực hiện và những hành động cụ thể của các cơ quan thực thi. Vậy đâu là yếu tố quyết định cho sự thành công, thưa bà?

Bà Nguyễn Minh Thảo: Rất nhiều chuyên gia kinh tế cùng có chung quan điểm: Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu thì không thể tạo được sự bứt phá trong cải cách. Thực tiễn tốt của các bộ, cơ quan dẫn đầu như Bộ Tài chính, EVN và địa phương năng động như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… đã chứng minh điều này. Nếu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh quyết liệt, sâu sát thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy cải cách cũng như tiên phong trong các sáng kiến, ý tưởng. Quá trình này cũng đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải từ bỏ quyền lực và lợi ích cục bộ. Các bộ, ngành ban hành quy định, thủ tục và cũng chính họ hiểu rõ nhất vấn đề có thể được giải quyết được hay không và giải quyết như thế nào.

Tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều đó đòi hỏi phải có tư duy và cách làm mới. Tâm lý bất an của cán bộ thực thi cũng là một rào cản, khiến cho những vướng mắc của doanh nghiệp trước đây được giải quyết khá linh hoạt, thuận lợi; nhưng nay phải kéo dài thời gian, dẫn tới làm nản lòng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhiều cán bộ, công chức cho biết, bản thân họ thấy dự án tốt, doanh nghiệp tốt cũng không dám linh hoạt vận dụng quy định để tránh rủi ro pháp lý. Tôi cho rằng, cùng với cơ chế đối thoại với doanh nghiệp, cần có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần phải ngồi lại trực tiếp lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính để tháo gỡ nút thắt này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.