Chào hàng cũng cần văn hóa

Nhiều người rất khó chịu với những cuộc điện thoại chào mời đủ thứ mà không hiểu sao đầu máy bên kia có số điện thoại của mình.
0:00 / 0:00
0:00

Thực trạng đó vốn đã phổ biến và nhiều người rất bức xúc. Nhưng còn có một điều rất đáng phê phán, khiến cho người ta bực mình thêm. Đó là cách gọi, cách chào mời của những người xưng là nhân viên công ty này, doanh nghiệp nọ, dịch vụ kia. Sau lời chào và hỏi, có phải anh A, chị B đấy không ạ, các nhân viên thường “bắn” liền một mạch các nội dung với tốc độ “nhả chữ” nhanh và mật độ “cài cắm” thông tin dày đặc. Nếu “khách hàng dự kiến” lịch sự từ chối - mình chưa có nhu cầu, thì bên kia lại tiếp tục mời mọc, anh, chị có thể đến thử cái này, tìm hiểu cái kia… Có khi “nạn nhân” nói xin phép, mình đang bận chút, thì vẫn bị đeo bám thêm mấy câu. Tệ nữa là người chào hàng cứ liên hồi nói, thật nhanh như sợ không kịp, khách không nghe được hết, khiến cho có khi “nạn nhân” phải bực mình cúp máy.

Rồi không lâu sau, có khi ngay trong ngày, lại có cuộc gọi chào hàng mới, mà có khi đầu dây bên kia lại vẫn là chỗ dịch vụ lúc trước. Và vẫn lặp lại cái lối nói lấy được như vậy.

Đó thật sự là cách chào hàng, tiếp thị bất lịch sự, thiếu văn hóa, không tôn trọng người nghe máy, chỉ biết được việc cho mình. Thậm chí cách làm đó phản tác dụng mà vẫn không chịu sửa chữa, điều chỉnh đi. Ngay từ việc tìm mua bán, “moi” thông tin cá nhân người dân đã là phi pháp rồi và đang bị xã hội lên án, cơ quan chức năng điều tra, xử lý; cho đến việc quấy nhiễu người ta ngày ngày bằng những “tràng liên thanh” gây khó chịu.

Đã có một số vụ việc bán thông tin cá nhân bị lôi ra ánh sáng. Nhưng vẫn còn nhiều lắm, dai dẳng lắm, tình trạng gọi điện chào mời đồng nghĩa với quấy nhiễu người dân. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng chế tài xử lý không chỉ với việc mua bán thông tin cá nhân, mà với cả việc sử dụng những thông tin đó làm ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, công việc của mọi người.